• Post author:
  • Post category:Tin tức

Vào sáng ngày 13/10/2021, buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đánh giá hiệu quả của các chính sách về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) phối hợp cùng tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tọa đàm có hơn 100 đại biểu tham gia trực tiếp qua hình thức họp trực tuyến trên Zoom và hàng trăm lượt người theo dõi qua livestream trên Fanpage của Save Vietnam’s Wildlife (SVW).

Screenshot 6
Chương trình buổi tọa đàm.

Hội thảo có sự tham gia tham vấn và đóng góp ý kiến của các chuyên gia về hiệu quả, các tồn tại, bài học kinh nghiệm từ quốc tế và trong nước và các đề xuất thay đổi trong thời gian tới về các chính sách bảo tồn động vật hoang dã. Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 có những tác động tiêu cực đến các hoạt động xã hội. Vì vậy, đánh giá các chính sách và định hướng chính sách này và việc đề xuất các chính sách phù hợp sẽ không chỉ giúp công tác bảo tồn ĐVHD mà còn đạt được những mục tiêu đề ra trong các chiến lược phát triển lâm nghiệp, chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Screenshot 1
Ảnh chụp màn hình buổi tọa đàm qua phần mềm Zoom.

Buổi hội thảo đã đưa ra được những khuyến nghị vô cùng quan trọng cho việc định hướng những chính sách bảo tồn động vật hoang dã trong thời gian tới, bao gồm:
– Chính sách bảo tồn động vật hoang dã tiến đến các tiêu chí rõ ràng về nuôi thương mại động vật hoang dã. Tiến đến ban hành một Danh mục loài được phép nuôi thương mại.
– Đưa ra các tiêu chí, bảo đảm việc quyết định nuôi mỗi loài cần có đánh giá tác động đầy đủ về kinh tế và bảo tồn loài.
– Việc xử lý vi phạm không chỉ có lực lượng Kiểm lâm mà cần có sự tham gia của Chính quyền địa phương (Công an xã có thể tham gia).
– Thực thi CITES không phải nhiệm vụ chỉ riêng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, chính sách cần tiếp cận đa ngành.
– Tiến tới xây dựng một Luật riêng về Bảo tồn động vật hoang dã nhằm thống nhất thể chế quản lý Đa dạng sinh học và động vật hoang dã từ cấp độ loài đến hệ sinh thái; thống nhất các chế tài xử lý các vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã từ hành chính tới hình sự tránh việc chỉ có một, hai điều liên quan trong Bộ luật hình sự, chế tài xử phạt hành chính nằm ở nhiều Nghị định khác nhau; huy động được nguồn lực, trành chồng chéo, giảm hiểu lực, hiệu quả của chính sách được ban hành.
– Quy định về thành lập trung tâm cứu hộ và các tiêu chuẩn đảm bảo sự minh bạch và phúc lợi động vật hoang dã. Hạn chế việc giữ động vật cứu hộ phục vụ cho mục đích tham quan, cần cân đối giữa nguồn thu và bảo tồn, phúc lợi cho loài động vật
– Các cán bộ quản lý động vật hoang dã tại các cơ quan nhà nước các cấp cần tích cực hơn trong việc điều tra và xử lý; đội ngũ nhà báo có thể hỗ trợ trong việc điều tra tuy nhiên lực lượng chính vẫn là cơ quan nhà nước
– Chế độ đãi ngộ với cán bộ quản lý động vật hoang dã nên được cải thiện. Các khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn ngân sách để đảm bảo công việc và mở rộng quy mô cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã
– Tinh giảm biên chế nên phụ thuộc vào quy mô của khu bảo tồn, không nên dựa trên cơ chế cơ học mà không cân đối về diện tích bảo vệ theo từng khu bảo tồn.
– Các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài sản công với động vật hoang dã nên được rút gọn và hoàn thiện hơn.
– Du lịch sinh thái được coi là một công cụ hữu hiệu đóng góp vào việc phát triển bền vững, bảo tồn động vật và sinh kế cho cộng đồng sống quanh rừng.
– Xây dựng các cơ chế tài chính mới để thúc đẩy việc phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ rừng, động vật hoang dã (Chi trả dịch vụ môi trường, mua bán phát thải, kinh doanh không phá rừng, cổ phiếu, trái phiếu,…)
– Chính sách giảm thuế với doanh nghiệp có đóng góp và quyên góp cho các tổ chức xã hội, tổ chức môi trường.

Tài liệu buổi tọa đàm:
Xây dựng chính sách bảo tồn động vật hoang dã giai đoạn 2020- 2050: Kinh nghiệm và bài học quốc tế, TS. Phạm Thu Thủy – CIFOR
Kinh nghiệm và định hướng chính sách bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2050, TS. Vương Tiến Mạnh – PGD CITES Việt Nam
Từ chính sách đến thực tiễn về bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và đề xuất chính sách trong giai đoạn 2020 – 2030 (đang cập nhật), Nguyễn Văn Thái – Giám đốc SVW