KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG
Tại sao cần Kết nối cộng đồng?
Con người có thể tác động tiêu cực đến tự nhiên, nhưng chính con người cũng có thể phục hồi và bảo vệ thiên nhiên.
Vì thế, SVW nhận định việc kết nối và tạo môi trường thuận lợi nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy thái độ cũng như hành vi tích cực của cộng đồng là giải pháp góp phần bảo vệ thiên nhiên một cách bền vững.
Bất kì ai đều có thể trở thành nhà bảo tồn thiên nhiên!
Năm hợp phần
Việc phát triển và thực hiện các chương trình Kết nối cộng đồng của chúng tôi dựa trên nền tảng cơ sở khoa học về 5 hợp phần của giáo dục bảo tồn, có nguồn gốc từ Tuyên bố Tbilisi do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ban hành vào năm 1977.
Năm hợp phần này bao gồm:
– Nhận thức: giúp các nhóm đối tượng có ý thức và mối quan tâm về những vấn đề bảo tồn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.
– Kiến thức: cung cấp thông tin và kiến thức về động vật hoang dã và các vấn đề bảo tồn.
– Thái độ: truyền cảm hứng cho các nhóm đối tượng nhằm thúc đẩy thái độ trân trọng thiên nhiên và quan tâm đến các vấn nạn bảo tồn.
– Kỹ năng: khuyến khích các nhóm đối tượng nâng cao năng lực bằng cách cung cấp cho họ các kỹ năng giải quyết vấn nạn bảo tồn.
– Sự tham gia: tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng tham gia vào công tác giải quyết vấn nạn bảo tồn ở các tất cả các giai đoạn.
*Dựa theo (Tuyên bố Tbilisi, 1977, UNESCO)
Trong số năm hợp phần nêu trên, chúng tôi nhận định “Sự tham gia” là mục tiêu quan trọng hàng đầu cho mọi chương trình giáo dục – nâng cao nhận thức tại SVW. “Sự tham gia” sẽ đảm bảo tính bền vững của các chương trình, đồng thời thúc đẩy cộng đồng chủ động hơn trong việc phát huy nguồn lực địa phương nhằm bảo vệ động vật hoang dã. Mỗi nhóm đối tượng sẽ được cung cấp các phương thức phù hợp để tham gia vào quá trình này. Ví dụ: Nhóm cộng đồng địa phương tham gia chia sẻ ý tưởng nhằm phát triển các hoạt động sinh kế, nhóm học sinh tham gia thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương, nhóm các đối tác địa phương tham gia vào quá trình thiết kế, thực hiện, và đánh giá các chương trình giáo dục – nâng cao nhận thức, v.v…
CÁC MỤC TIÊU KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG
Chương trình Kết nối Cộng đồng của SVW nhằm triển khai các hoạt động thúc đẩy cộng đồng tham gia thực hiện công tác bảo tồn. Từ đó, góp phần đạt được sứ mệnh bảo tồn của SVW. 4 mục tiêu dài hạn chúng tôi hướng đến gồm:
Xây dựng và triển khai các chương trình kết nối cộng đồng đảm bảo tính khoa học và bền vững, hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau. Các chương trình này phải đáp ứng nhu cầu thực tế, hiệu quả, đơn giản, chi phí hoạt động thấp, giúp các bên liên quan chủ động tham gia, và nhằm tạo nên tác động lâu dài cho cả con người và động vật hoang dã.
Thành lập lực lượng bảo tồn nòng cốt địa phương tại các khu vực dự án trọng điểm của SVW. Những nhóm này có mối quan tâm đặc biệt đến các hoạt động bảo tồn và có khả năng đứng ra triển khai các chương trình thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương mà ít cần đến sự hỗ trợ của SVW.
Truyền cảm hứng, phát triển và nâng cao năng lực về bảo tồn dành cho sinh viên đại học, sau đại học và các bạn trẻ mong muốn làm việc trong lĩnh vực bảo tồn. Các hoạt động sẽ cung cấp thông tin, kiến thức lý thuyết và thực hành cần thiết để thực hiện các công tác bảo tồn hiệu quả.
Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến miễn phí tổng hợp các nghiên cứu xã hội của các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam, tài liệu phục vụ công tác bảo tồn (sách, sổ tay, ấn phẩm tuyên truyền, bộ trò chơi cho học sinh, nội dung phát thanh tuyên truyền, v.v.) do SVW phát triển, sử dụng và đã chứng minh tính hiệu quả về giáo dục – nâng cao nhận thức. Đây sẽ là nguồn cung cấp các cơ sở khoa học và dẫn chứng hỗ trợ việc xây dựng các chương trình giáo dục – nâng cao nhận thức tại Việt Nam. Các tổ chức bảo tồn khác có thể sử dụng miễn phí cơ sở dữ liệu trực tuyến này.
KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG NHƯ THẾ NÀO?
Chúng tôi sử dụng phương pháp tiếp cận và kết nối toàn diện với những đối tượng mục tiêu khác nhau nhằm đảm bảo các chương trình được thiết kế phù hợp với cộng đồng và đạt hiệu quả cao về giáo dục và nâng cao nhận thức.
Chúng tôi thực hiện các cuộc khảo sát xã hội để tìm hiểu thông tin nhân khẩu học và đặc điểm của các nhóm đối tượng mục tiêu, đồng thời, xác định nhu cầu bảo tồn địa phương, từ đó xây dựng các yêu cầu bảo tồn với các nhóm loài. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch nâng cao nhận thức cũng như các chương trình giáo dục khác.
Chúng tôi phát triển các chương trình khác nhau cho từng nhóm đối tượng như:
– Các chương trình giáo dục bảo tồn cho học sinh từ 5 đến 17 tuổi, thực hiện tại trường học, trong rừng, và trên các ứng dụng trực tuyến.
– Các chương trình đào tạo và hội thảo cho cán bộ nhà nước, cán bộ thực thi pháp luật, sinh viên đại học, đối tác địa phương và các nhà tài trợ.
– Các chương trình cộng đồng (ví dụ như các hoạt động nâng cao nhận thức, hội thảo thực thi pháp luật, các giải pháp sinh kế thay thế) cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc rừng.
– Các chương trình thay đổi hành vi nhằm giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại những điểm nóng về săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã.
Chúng tôi phối hợp với chính quyền, các cơ quan đơn vị và đối tác địa phương để triển khai các chương trình cho các nhóm đối tương, sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau như các ấn phẩm, tài liệu giáo dục, hội thảo và tập huấn, truyền thông trên mạng xã hội và các kênh thông tin đại chúng.
Chúng tôi nhìn nhận và đánh giá khách quan những thành công và thách thức của các chương trình sau thời gian triển khai để đưa ra những kinh nghiệm, bài học, đề xuất, và đánh giá tiềm năng để tiếp tục hoặc nhân rộng chương trình ở những địa phương khác.
Thành quả nổi bật
Hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức
Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê
Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê được khai trương vào tháng 2 năm 2016, cũng là ngày Tê tê Thế giới. Đây là một khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới với hai sự kiện tuyệt vời diễn ra trong cùng một ngày. Giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực – Đó là người Việt Nam có được một điểm đến để học hỏi và thể hiện sự quan tâm cũng như cam kết của mình trong việc bảo tồn các loài Thú ăn thịt và Tê tê.
Trung tâm được thiết kế nhằm khơi gợi cảm xúc của du khách, từ đó thu hút sự tham gia của họ vào việc bảo tồn thiên nhiên và các loài động vật hoang dã. Ngoài ra, đây còn là nơi thực hiện các chương trình giáo dục cho du khách ở mọi lứa tuổi, và khu chăm sóc động vật dài hạn thuộc trung tâm giáo dục là mô hình đảm bảo quyền và phúc lợi cho các loài động vật hoang dã tại đây.
Hãy đến thăm Trung tâm Giáo dục của chúng tôi và:
● Trải nghiệm các triển lãm có tính tương tác để tìm hiểu về 37 loài Thú ăn thịt và 2 loài Tê tê quý hiếm, không thể thay thế tại Việt Nam;
● Ghé thăm các Đại sứ Giáo dục – những cá thể động vật được giải cứu từ những vụ săn bắt và buôn bán trái phép nhưng không thể trở về tự nhiên (Tê tê, Rái cá vuốt bé, Cầy mực, Cầy vòi mốc, Cầy vòi hương và Mèo rừng)
● Tìm hiểu cách chúng tôi hành động để bảo vệ loài động vật hoang dã và cách bạn có thể tham gia cùng chúng tôi;
Chương trình Trường học
Thế hệ trẻ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của thiên nhiên. Thế nhưng, trẻ em Việt Nam lại có ít cơ hội được kết nối, khám phá, tìm hiểu về rừng và động vật hoang dã. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã phát triển một loạt các chương trình giáo dục bảo tồn dành cho học sinh từ 5 đến 17 tuổi trên khắp Việt Nam, chủ yếu ở quanh các khu bảo tồn.
Tính đến tháng 7 năm 2021, đã có hơn 11.133 trẻ em sống quanh vùng đệm của các Vườn Quốc gia được tham gia các chương trình giáo dục bảo tồn của của SVW tổ chức tại trường học và trong rừng. Bên cạnh đó, hàng trăm học sinh ở các thành phố lớn cũng đã tham gia các khóa học trực tuyến về bảo tồn ĐVHD của SVW.
Thông tin chi tiết về bốn chương trình trường học SVW đã thực hiện, vui lòng xem tại đây.
Chương trình Cam kết cộng đồng
Các chương trình của chúng tôi được thực hiện với các cộng đồng địa phương tại những điểm nóng về săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tìm kiếm những giải pháp sinh kế thay thế khả thi để cải thiện đời sống cho họ, từ đó hạn chế tác động tiêu cực của con người đến tài nguyên rừng và truyền cảm hứng cho họ bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi tiến hành các nghiên cứu cơ sở, để xác định rõ nhu cầu của cộng đồng địa phương và đánh giá tình hình thực tế ở đó trước khi triển khai và thực hiện các biện pháp can thiệp phù hợp với nhu cầu bảo tồn. Chúng tôi thực hiện nhiều chương trình khác nhau với các cách tiếp cận đa dạng như: tổ chức các cuộc hội thảo có sự tham gia của cộng đồng địa phương, sử dụng các bảng tuyên truyền cỡ lớn và đa dạng các ấn phẩm giáo dục mang tính bền vững để khuyến khích những người đang sống phụ thuộc vào rừng thay đổi nhận thức và hành động để bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời chúng tôi cũng nỗ lực phát triển các sinh kế thay thế nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.
Cho tới nay, đã có 105 thôn, bản thuộc khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát tham gia vào chương trình cộng đồng của chúng tôi, trong đó có 2.837 người dân sống phụ thuộc vào rừng đã tham dự, ký cam kết và chia sẻ các ý kiến về phát triển sinh kế thay thế và bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, các ấn phẩm giáo dục cộng đồng mà chúng tôi đã phát và các phương tiện truyền thông đã giúp lan tỏa thông điệp bảo tồn của chúng tôi đến toàn bộ người dân trong khu vực.
Chúng tôi cũng đang phát triển thêm các công cụ bảo tồn đơn giản với chi phí thấp để người dân địa phương có thể sử dụng trong một thời gian dài.
Chúng tôi mong muốn tăng tính bền vững cho các chương trình cộng đồng để tạo ra hiệu quả lâu dài cho các hoạt động mà chúng tôi tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp xã hội vào việc phát triển và thực hiện các giải pháp sinh kế thay thế tại địa phương. Các giải pháp thay thế này sẽ tận dụng những ưu thế của các sinh kế thực hiện trước đây tại địa phương, đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí, cũng như sự chấp thuận và tham gia của cộng đồng địa phương, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã.
Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về các chương trình cộng đồng của chúng tôi tại đây.
Chương trình Thay đổi Hành vi
SVW áp dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau (ví dụ: phương pháp truyền thông thay đổi hành vi và xã hội, hội thảo thực thi pháp luật, hội thảo cộng đồng, triển lãm di động, v.v.) để lan tỏa các thông điệp bảo tồn nhằm định hướng nhận thức tích cực về những loài trọng tâm mà chúng tôi hướng tới, từ đó tạo nên những thay đổi về thái độ, và hy vọng sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực đến hành vi của những người đang có tác động tiêu cực với động vật hoang dã.
Hai hành vi chính được nhắm tới trong các chương trình thay đổi hành vi của SVW bao gồm: (1) hành vi mua và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là thịt rừng (2) hành vi buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là việc phục vụ thịt rừng trong các nhà hàng. Trước khi thực hiện các chiến dịch thay đổi hành vi, SVW tiến hành các nghiên cứu cơ sở, phỏng vấn các đối tượng mục tiêu nhằm phát triển các thông điệp và biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả.
Từ năm 2020, được tư vấn bởi Influence At Work, chương trình thay đổi hành vi của SVW bắt đầu áp dụng Khung “CARING” – trong đó có phương pháp sử dụng chuẩn mực xã hội, và hướng tiếp cận loại bỏ mọi liên kết về môi trường hay bảo tồn thiên nhiên, nhằm đảm bảo các mục tiêu chiến dịch, tăng cường sự tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương, cũng như tối đa hóa hiệu quả chiến dịch.
Hiện tại, SVW hợp tác cùng cơ quan chức năng triển khai các chiến dịch thay đổi hành vi nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, SVW tham mưu, tư vấn, và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chức năng và đối tác địa phương để thực hiện các chương trình giảm nhu cầu về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.
Từ giữa năm 2018 đến năm 2019, SVW hợp tác với Đại học Oxford thực hiện dự án “Tìm hiểu mức độ hiệu quả của việc sử dụng tầm ảnh hưởng người nổi tiếng trong các chiến dịch giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã: thay đổi nhận thức về tê tê ở Việt Nam”.
Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về dự án tại đây.
hoạt động khác
Nghiên cứu xã hội
Nhóm Giáo dục và Nâng cao nhận thức thực hiện hai hình thức nghiên cứu xã hội khác nhau: nghiên cứu cơ sở và nghiên cứu đánh giá.
1. Nghiên cứu cơ sở nhằm tìm hiểu thông tin nhân khẩu học và đặc điểm của các nhóm đối tượng mục tiêu, đồng thời, xác định nhu cầu bảo tồn địa phương, từ đó xây dựng các yêu cầu bảo tồn với các nhóm loài, và phát triển các biện pháp can thiệp phù hợp với nhu cầu bảo tồn đã xác định. Từ năm 2015 đến năm 2021, nhóm Giáo dục và Nâng cao nhận thức đã thực hiện 4 nghiên cứu cơ sở, phỏng vấn tổng số 10.447 người Việt trên khắp 15 tỉnh thành ở Việt Nam. Thông tin chi tiết về 4 nghiên cứu cơ sở nay, vui lòng xem tại đây.
Bên cạnh những nghiên cứu do nhóm thực hiện, SVW cũng đã thu thập dữ liệu về buôn bán Tê tê bất hợp pháp, khảo sát các nhà hàng chuyên buôn bán thịt thú rừng và các cửa hàng thuốc cổ truyền tại sáu thành phố trên khắp Việt Nam.
2. Nghiên cứu đánh giá nhằm cung cấp dữ liệu để đánh giá hiệu quả và tác động của chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của chúng tôi. Các nghiên cứu/khảo sát được tiến hành trước khi thực hiện chương trình, và sau 1 khoảng thời gian nhất định, đủ để các thông điệp tạo được ảnh hưởng trong cộng đồng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về kết quả nghiên cứu đánh giá các chương trình giáo dục bảo tồn dành cho trẻ em sống quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương tại đây.
Báo cáo kết quả các nghiên cứu đánh giá của chương trình giảm cầu và chương trình trường học cho trẻ em sống quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát sẽ được công bố sau khi dự án kết thúc.
Chương trình Nâng cao năng lực
Các hội thảo tập huấn nâng cao năng lực của SVW đều áp dụng các phương pháp kể chuyện, tương tác và khuyến khích sự tham gia của tất cả các học viên nhằm kích thích sự hào hứng và gắn kết của người tham dự. Cách tiếp cận này góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực trong thái độ và hành vi của người được tập huấn đối với động vật hoang dã. Bằng việc cung cấp kiến thức, thông tin và các kỹ năng thực tiễn, chúng tôi mong muốn học viên sẽ tham gia vào việc bảo vệ động vật hoang dã và có thể thực hiện các hoạt động bảo tồn hiệu quả.
SVW đã cùng với các đối tác tập huấn cho hơn 2,500 cán bộ nhà nước và cán bộ thực thi pháp luật tại các điểm nóng về bảo tồn; tập huấn về các nội dung bảo vệ động vật hoang dã, đấu tranh phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, công tác xử lý động vật hoang dã sau tịch thu và nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như giải pháp bảo tồn đối với động vật hoang dã sau tịch thu.
Kết quả của những buổi tập huấn này đã góp phần đáng kể vào sự thành công của Chương trình Cứu hộ và Phục hồi Động vật Hoang dã, Bảo vệ sinh cảnh, và Vận động chính sách.
Nhằm góp phần vào nỗ lực thực thi pháp luật, chúng tôi đã làm việc với các đối tác và tổ chức tập huấn cho các phóng viên hoạt động trong mảng môi trường nhằm khuyến khích họ cùng tham gia chống lại nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo và tập huấn chuyên đề cho sinh viên Việt Nam, Campuchia và Thái Lan để thu hút họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn.
Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một chương trình tập huấn cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Chương trình sẽ có bao hàm nhiều hợp phần tập huấn về các chủ đề khác nhau như: kỹ năng thực hiện khảo sát thực địa, sinh thái và nhận dạng loài, thực thi pháp luật, tội phạm học về động vật hoang dã, GIS, lắp đặt bẫy ảnh, dự án sử dụng sóng vô tuyến, nghiên cứu khoa học, thiết kế dự án và viết đề xuất xin tài trợ.
Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về một số khóa tập huấn mà chúng tôi đã thực hiện tại đây.
Truyền thông - Tiếp cận - Nhận thức
Chúng tôi sử dụng nhiều hình thức truyền thông khác nhau như các ấn phẩm và tài liệu giáo dục, Trung tâm Giáo dục, và các đơn vị báo đài nhằm lan tỏa thông điệp bảo tồn và kêu gọi sự ủng hộ của công chúng với động vật hoang dã tại Việt Nam. Trên thực tế, đã có hơn 60.000 người theo dõi chúng tôi trên các trang mạng xã hội, và có hàng triệu người, thông qua các phương tiện truyền thông, đã biết đến các nỗ lực bảo tồn của chúng tôi.
Không chỉ vậy, hơn 1.000.000 tài liệu giáo dục về bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã được phát cho hàng trăm nghìn người ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới. Xem thêm các ấn phẩm giáo dục và nâng cao nhận thức của chúng tôi tại đây.
Đội ngũ nhân viên của SVW cũng đã tổ chức các buổi nói chuyện với chủ đề nâng cao nhận thức, các bài giảng với diễn giả là khách mời uy tín, các sự kiện có sự tham gia của cộng đồng, các chuyến thăm Trung tâm Giáo dục và các buổi hội thảo dành cho người dân địa phương, doanh nghiệp và sinh viên đại học, sau đại học nhằm lan tỏa thông điệp bảo tồn và tạo cơ hội cho họ được tham gia vào các hoạt động bảo tồn của chúng tôi.
Những kinh nghiệm thực tế của SVW được trình bày tại các sự kiện đã đóng góp rất lớn cho việc nâng cao nhận thức, đồng thời góp phần thay đổi chính sách theo hướng có lợi hơn cho bảo tồn ĐVHD. Chúng tôi cũng đã xây dựng một chương trình tình nguyện trả phí dành cho các du khách quốc tế có mong muốn ở lại trung tâm thời gian dài và trải nghiệm toàn diện hơn về công việc bảo tồn của chúng tôi. Qua các trải nghiệm thực tế, những người tham gia tình nguyện đã có những ấn tượng rất tốt với chương trình, bởi họ được cung cấp thêm thông tin và được truyền cảm hứng để trở thành những người ủng hộ tích cực cho các hoạt động bảo tồn của chúng tôi.
SVW có mối liên kết rộng với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước như BBC, Animal Planet, The Telegraph, The Guardian, CNN, 360o, VNExpress, Dân Trí, VTV, HTV,…; và chúng tôi cũng tham gia vào mạng lưới bảo tồn toàn cầu để lan tỏa sứ mệnh cũng như chứng minh những thành tựu và nỗ lực bảo tồn của Việt Nam, nhằm thu hút các đối tác mới và xây dựng niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Tin tức giáo dục
Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép
SVW Tuyển dụng Cán bộ Giáo dục và Nâng cao nhận thức tại VQG Pù Mát
[TTBC] Hội thảo Khởi động Chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng ĐVHD trái phép”
- 1
- 2
- 3
- 4
- …
- 12
- Go to the next page