• Post author:
  • Post category:Blog

Nếu như các bạn chưa biết thì tháng 5 chính là tháng của những chú cầy mực đáng yêu. Cầy mực hay còn có tên gọi chồn mực (tiếng Anh: Binturong) là một sinh vật lông lá xù xì sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Trông có vẻ dữ dằn nhưng cầy mực lại rất nhút nhát. Và đặc biệt chúng còn có mùi hương được ví như “Hàm Hương phiên bản động vật” nữa đấy. Trong bài viết này, hãy cùng SVW tìm hiểu kỹ hơn về loài động vật đáng yêu này nhé.

NƯỚC TIỂU CỦA CẦY MỰC THƠM MÙI BẮP RANG BƠ

Nhắc đến cầy mực thì nhất định không thể không nhắc tới mùi hương được xem như “nước hoa” độc nhất vô nhị mà chỉ loài động vật này mới có.

Cay muc Binturong 3@SVW

Một bạn cầy mực tại Trung tâm Giáo dục thú ăn thịt và tê tê. Photo ©SVW

Nước tiểu của cầy mực có mùi hương đặc biệt ấy là vì có chứa hợp chất 2-AP – một loại hợp chất sinh ra từ phản ứng hóa học của đường và axit amin trong bắp khi gặp nhiệt độ cao. Nước tiểu của cầy mực sẽ dính vào phần chân và đuôi khi cầy mực ngồi xổm để giải quyết nhu cầu vệ sinh của mình. Và thế là chúng cứ di chuyển đến đâu thì “mùi bắp rang” thơm lừng cũng đi theo đó giúp cầy mực đánh dấu lãnh thổ và thu hút bạn tình.

Thế nhưng đến giờ vẫn chưa nhà khoa học nào có thể giải đáp được rằng tại sao loài động vật này có thể sản sinh ra một mùi hương kỳ lạ đến như vậy.

MÙA XUÂN, CÂY SUNG CÓ THỂ NỞ RỘ LÀ NHỜ SỐNG BÁM VÀO CẦY MỰC

Cầy mực là loài động vật duy nhất trong tự nhiên có khả năng phân tán hạt của cây sung sống bám (tên khoa học: Ficus altissima) qua quá trình tiêu hóa.

Khi cầy mực ăn hạt sung, trong dạ dày của chúng sẽ tiết ra một loại men đặc biệt giúp phá vỡ kết cấu vỏ ngoài của hạt. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hạt sung sau khi bị thải ra ngoài và gặp được môi trường thích hợp có thể dễ dàng nảy mầm hơn. Việc con người săn bắn trái phép loài vật này cũng đồng nghĩa với việc đe dọa sự sống còn của không chỉ một mà tới hai loài sinh vật quý giá.

Nếu những chú cầy mực đáng yêu kia bị tuyệt chủng thì cây sung sống bám sẽ biết phải “nương tựa” vào đâu đây?

CẦY MỰC: VỪA HẬU ĐẬU, VỪA BIẾNG NHÁC NHƯNG LẠI HẾT SỨC ĐÁNG YÊU

Nếu như bạn chưa từng nhìn thấy hay tìm hiểu về loài cầy mực thì hãy thử hình dung như thế này: 1 chút hậu đậu, 1 chút biếng nhác kết hợp với nhiều sự đáng yêu chính là công thức hoàn hảo để miêu tả một chú cầy mực.

Cay muc Binturong 2@SVW

Photo ©SVW

Mặc dù sở hữu chiếc đuôi khỏe và dẻo dai, nhưng cầy mực lại không thể chuyền cành hay săn mồi sử dụng chiếc đuôi này. Khi di chuyển giữa các cây, chúng bắt buộc phải trèo xuống thấp, lê thân người đi một đoạn rồi mới có thể trèo lên cành cây tiếp theo. Chính vì thân hình vụng về và tính cách có phần lười nhác nên không chỉ việc leo trèo trở nên khá “cồng kềnh” mà cầy mực hiếm khi săn những con mồi ngon như chim, thằn lằn hay các loài gặm nhấm thành công. Chúng đành “an phận” tìm nguồn thức ăn dễ kiếm như côn trùng hay các loại hoa quả.

Sau khi đã no nê, cầy mực lại tiếp tục nhấc cái thân hình nặng nề lên đi tìm một cành cây để ngủ!

CẦY MỰC CÓ PHẢI MÈO, GẤU, CHỒN KHÔNG?

Thoạt nhìn vào những chú cầy mực thì chắc chắn là không ít bạn sẽ có cùng câu hỏi như trên. Thế nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Cầy mực không thuộc họ mèo dù sở hữu một số đặc điểm giống mèo như sợi râu dài ở hai bên má. Nhìn chúng tự liếm lông để làm sạch cơ thể hay phát ra âm thanh “gừ gừ” để thể hiện cảm xúc thì có thể các bạn sẽ nhầm chúng với loài mèo đấy.

Cầy mực cũng không có họ hàng với loài gấu dù chiếc mũi thuôn dài, bàn chân có móng vuốt và dáng đi chậm rãi của chúng khiến chúng trông cũng oai vệ chẳng khác gì những chú gấu của rừng xanh.

Và tất nhiên cầy mực cũng không phải là chồn. Chính vì sự nhầm lẫn này mà cầy mực hay bị bắt phải ăn và tiêu hóa hạt cà phê để ‘sản xuất cà phê chồn” đắt đỏ.

Ngày Cầy mực Thế giới 14/5 sắp tới rồi, hãy cùng SVW chia sẻ những thông tin thú vị này để mọi người cùng nhau yêu thương và bảo vệ loài động vật này hơn nữa nhé!

Bảo trợ cầy mực

Sự bảo trợ tượng trưng của bạn sẽ trực tiếp giúp đỡ các bạn cầy mực trong chương trình cứu hộ và phục hồi của SVW. Nhận bảo trợ Cầy mực tại đây.