• Post author:
  • Post category:Blog

Hiện nay số lượng các loài động vật hoang dã (ĐVHD) của Việt Nam đang ngày càng suy giảm một cách nghiêm trọng. Có đến 745 loài nguy cấp đang bị đe dọa tại Việt Nam, trong đó có “64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư, và 96 loài cá” (Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – IUCN, 2020, trích dẫn từ báo VietnamPlus, 2021). Bên cạnh đó, rất nhiều loài đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao ngoài tự nhiên như Hổ, Báo, Gấu, Voi, hay một số các loài Linh trưởng và nhiều loài khác; thậm chí có những loài thực sự đã vĩnh viễn biến mất trên bản đồ phân bố động vật Việt Nam như Tê giác một sừng (Javan rhinoceros) (Theo WWF và IRF, 2011). Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do sự thiếu thông tin cũng như thái độ thờ ơ đối với động vật hoang dã của một bộ phận người trong xã hội, từ đó đã dẫn tới những hành động và ứng xử không thân thiện gây hại tới động vật hoang dã.

Bài viết “Hành trình từ rừng đến bàn nhậu” sẽ cung cấp thêm cho độc giả những thông tin, hình ảnh về một hành trình vô cùng nguy hiểm và đau đớn mà hàng trăm, hàng nghìn các cá thể động vật hoang dã đang phải hứng chịu trong chính ngôi nhà tự nhiên của chúng, nhằm phục vụ nhu cầu không đáng có của con người! Hành trình sẽ nêu rõ những nỗi đau mà các loài ĐVHD phải nếm trải trong quá trình bị săn bắt, trên đường vận chuyển động vật từ rừng đến nơi tiêu thụ và khi bị tiêu thụ với nhiều mục đích khác nhau.

Săn bắt: nỗi ám ảnh của động vật hoang dã trong rừng

Thợ săn sử dụng nhiều cách thức để săn bắt, tận diệt các loài ĐVHD, sau đó bán cho đầu nậu buôn bán trái phép. Cách thức phổ biến nhất là sử dụng các loại bẫy như: bẫy dây; bẫy sập. Ngoài ra, để nâng cao độ sát thương động vật, thợ săn còn sử dụng súng săn, chích điện, nổ mìn để tận diệt và sử dụng chó săn để đánh hơi, dò đường.

Trong số các loại hình bẫy bắt mà thợ săn thường dùng để săn bắt động vật thì các loại bẫy dây được dùng phổ biến nhất. Trước đây thợ săn sử dụng bẫy từ dây thừng, động vật mắc bẫy có thể cố gắng cắn dây để trốn thoát. Ngày nay, thợ săn sử dụng loại bẫy tự chế từ phanh xe đạp – một trong những loại bẫy thông dụng và nguy hiểm nhất đối với động vật rừng. Loại bẫy này rất nhẹ, dễ mang theo và rẻ tiền. Động vật bị mắc bẫy khó có thể thoát ra được, chỉ biết chờ đợi cái chết đến từ từ trong đau đớn kéo dài.

Có 4 cách đặt bẫy dây phổ biến, bao gồm: Bẫy dây đơn lẻ đặt khắp nơi trong rừng, Bẫy dây đặt trên thân cây và được ngụy trang cẩn thận, Kết hợp nhiều loại bẫy đơn lẻ tạo thành hàng rào xung quanh cây nơi động vật tìm thức ăn, Kết hợp nhiều loại bẫy dây tạo thành một hàng rào có thể kéo dài hàng cây số, được gọi là bẫy luồng.

Bên cạnh bẫy dây tự chế từ phanh xe đạp, thợ săn còn sử dụng rất nhiều loại bẫy động vật khác nhau, bao gồm Bẫy sập, Bẫy kẹp bằng gỗ hoặc tre nứa, Bẫy kẹp bằng sắt, và Bẫy kiềng. Trong đó, bẫy kiềng là nỗi ám ảnh đáng sợ vì động vật mắc bẫy này thường bị thương nặng, thậm chí phải cắt bỏ chân hoặc mất mạng do những vết thương từ bẫy.

1
Phanh xe đạp.
2
Bẫy thút, một trong những loại thuộc bẫy dây.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sát thương động vật, thợ săn còn sử dụng súng săn, chích điện, nổ mìn để tận diệt các cá thể động vật hoang dã. Súng săn, súng chuyên dụng hay súng săn tự chế là vũ khí có tính sát thương cao. Chúng không chỉ mang đến cái chết cho động vật rừng, mà thậm chí còn có thể lấy đi tính mạng của cả chính người sử dụng chúng. Bên cạnh đó thì hình thức chích điện, nổ mìn cũng cực kì nguy hiểm cho cả động vật và người. Đây là một hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt. Không chỉ cá mà hàng triệu loài động thực vật thủy sinh sẽ chết, nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, xung điện cũng ảnh hưởng đến thần kinh và hủy diệt hồng cầu của chính người sử dụng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng

3
Súng săn, một trong những hình thức tận diệt động vật của thợ săn.
4
Chích điện, nổ mìn.

Ngoài những loại hình bẫy bắt nêu trên, để tăng khả năng tìm kiếm và phát hiện động vật trong rừng, thợ săn còn sử dụng cả chó săn để đánh hơi, dò đường. Chó săn là trợ thủ đắc lực của thợ săn. Với khả năng đánh hơi và dò đường vượt trội, tốc độ truy đuổi đáng nể, thậm chí có khả năng tấn công động vật, chúng trở thành kẻ thù của động vật hoang dã trong các khu rừng.

5
Chó săn, thợ săn sử dụng để đánh hơi, dò đường tìm động vật.

Vận chuyển: nỗi tra tấn dai dẳng với động vật hoang dã

Sau khi đã bắt được động vật, thợ săn và những người buôn bán trái phép sẽ tìm mọi cách mang động vật ra khỏi rừng để đưa đến nơi tiêu thụ. Động vật hoang dã được vận chuyển ra khỏi rừng bằng nhiều phương tiện khác nhau nhằm trốn tránh lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Sau khi ra khỏi rừng, động vật tiếp tục bị giấu, ngụy trang bên trong các xe ô tô và thường được vận chuyển bằng nhiều chặng, dài ngày để tránh các lực lượng chức năng.

6
Phương tiện vận chuyển ĐVHD.

Không chỉ vậy, nhằm tăng lợi nhuận, thợ săn và các đầu nậu buôn bán động vật hoang dã trái phép thường sử dụng nhiều biện pháp tăng trọng lên động vật như: nhồi nhét thức ăn, chất lỏng không rõ nguồn gốc, thậm chí là những thứ kinh khủng và tàn nhẫn như bột, đá và các chế phẩm từ nhựa vào cơ thể động vật. Do vậy, động vật thường trong tình trạng căng thẳng, bị thương, không có thức ăn, nước uống và bị ngạt thở nên rất dễ kiệt sức dẫn đến tử vong. Những cá thể động vật bị chết thường được tẩm ướp, bảo quản và trữ đông khi di chuyển để tránh phân huỷ và bốc mùi.

7
Tăng trọng cho động vật.
8
Ướp đông động vật.

Khi đã vận chuyển trót lọt động vật ra khỏi rừng đến nơi tiêu thụ, lúc này những đầu nậu sẽ tìm mọi cách nhằm tiêu thụ động vật và các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng là những địa điểm quen thuộc mà họ thường lui tới để thực hiện giao dịch. Tại đây các loài ĐVHD lại tiếp tục bị ngược đãi như bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, phải ăn những loại thức ăn không phù hợp và thậm chí bị bỏ đói để chờ đợi các thực khách và trở thành những món đặc sản bất cứ lúc nào.

9
Rao bán động vật tại các nhà hàng

Quảng cáo, giao dịch trực tuyến: kênh tiếp tay khiến các loài động vật hoang dã bị đẩy nhanh đến “bàn nhậu”

Quảng cáo, biển hiệu của các nhà hàng buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn còn xuất hiện công khai ở nhiều nơi, bởi hình phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu chưa đủ sức răn đe khiến họ thay đổi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thợ săn và các đầu nậu buôn bán động vật hoang dã trái phép trong việc phân phối nguồn hàng săn bắt được. Đồng thời, khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn cung cấp các sản phẩm từ động vật hoang dã để sử dụng, từ đó tăng nguy cơ động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán, và tiêu thụ trái phép.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh trên mạng xã hội đang ngày càng phát triển, dẫn đến sự bùng nổ trong việc buôn bán trực tuyến các loài động vật hoang dã, từ các giao dịch diễn ra âm thầm, kín đáo tới công khai, thách thức chính quyền. Hình thức buôn bán này rất dễ tiếp cận tới người tiêu dùng, làm tăng nhu cầu sử dụng, nhưng lại khó kiểm soát và thu thập bằng chứng, khiến cho việc quản lý, kiểm soát và xử phạt gặp nhiều khó khăn.

10
Rao bán động vật trực tuyến.

“Bàn nhậu”: động vật hoang bị sử dụng cho rất nhiều mục đích

Động vật hoang dã sau khi bị bắt khỏi rừng, đưa đến nơi tiêu thụ sẽ được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau như làm thịt, ngâm rượu, làm thuốc, nuôi làm thú cưng, làm đồ trang sức, trang trí. Theo báo cáo kết quả nghiên cứu xã hội của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã WAR năm 2011, động vật hoang dã bị sử dụng cho mục đích làm thực phẩm là phổ biến nhất. Nhiều người vẫn tin rằng việc sẵn sàng chi trả cho những hóa đơn đắt đỏ mua các sản phẩm từ ĐVHD sẽ chứng tỏ địa vị, sự giàu có và đẳng cấp của người mua, giúp dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ làm ăn, và họ bất chấp việc vi phạm pháp luật hay nguy cơ lây lan bệnh tật từ động vật để tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.

11
Sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm.

Tiếp theo phải kể đến là việc sử dụng ĐVHD với mục đích ngâm rượu và làm thuốc đông y cũng khá phổ biến từ trước tới nay tại Việt Nam và một số nước châu Á (Theo đánh giá của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế). Không ít các đấng “mày râu” tại Việt Nam đã chi trả một lượng tiền rất lớn để có được rượu ngâm từ ĐVHD nhằm “tráng dương bổ thận”, tăng cường sinh lý phái mạnh. Niềm tin lệch lạc và chưa có cơ sở khoa học này đã khiến rất nhiều người sau khi sử dụng rượu ngâm từ ĐVHD đã bị ngộ độc, phải đi cấp cứu.

12
Sử dụng động vật hoang dã để ngâm rượu.

Bên cạnh niềm tin sử dụng rượu ngâm từ động vật hoang dã có tác dụng nêu trên cho phái mạnh thì cũng có khá nhiều người vẫn tin và lựa chọn cách chữa bệnh bằng các bài thuốc đông y được chế biến từ ĐVHD. Thuốc Đông Y có tác dụng chậm hơn thuốc Tây Y, nên để quảng cáo, nhiều người đã đồn thổi các bài thuốc cổ truyền sử dụng động vật hoang dã có thể chữa bách bệnh. Những thông tin truyền miệng chưa được khoa học chứng mình này đã kích thích nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật hoang dã làm thuốc. Các sản phẩm Đông Y bào chế từ động vật hoang dã quý hiếm được bày bán, đồng nghĩa với việc hàng ngàn con Gấu bị giam cầm trong lồng sắt chật hẹp để rút lấy dịch mật hàng ngày, hàng vạn Tê tê bị giết thịt rút vảy mỗi năm, hàng triệu Tê giác bị săn bắn đến mức tuyệt chủng chỉ để lấy một chiếc sừng của chúng, v.v… Thảm cảnh này đã đẩy nhiều loài động vật đến bờ vực tuyệt chủng. Tất cả những điều này có thể dễ dàng tránh khỏi bằng việc sử dụng các cây thuốc, vị thuốc từ thực vật thay thế cho sản phẩm từ động vật hoang dã.

13
Sử dụng động vật hoang dã làm thuốc Đông Y.

Ngoài việc sử dụng động vật hoang dã với những mục đích chủ yếu nêu trên thì nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đang trở thành trào lưu nguy hiểm, đe dọa rất nhiều loài quý hiếm như Rái cá, Mèo rừng, Voọc, Khỉ, Kỳ đà… Ít ai biết, thợ săn phải giết con bố mẹ, đôi khi là cả đàn để cướp được con con. Con con được nuôi trong nhà sẽ dễ bị nhiễm bệnh và khó được chữa khỏi bởi các bác sĩ thú y thông thường. Nguy hiểm hơn, bản năng hoang dã của động vật có thể làm người nuôi bị thương, gây bệnh truyền nhiễm cho con người và vật nuôi khác trong gia đình.

14
Sử dụng động vật hoang dã làm vật cảnh.

Chúng ta thấy gì từ hành trình trên?

“Hành trình từ rừng đến bàn nhậu” đã cung cấp cho độc giả những thông tin và góc nhìn đa chiều về nguyên nhân khiến cho số lượng các loài động vật hoang dã của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng, cũng như sự biến mất của một số loài hiện nay. Đặc biệt qua đây đọc giả có thể hiểu thêm về các mối đe dọa cũng như những nỗi đau đến tột cùng mà các loài động vật hoang dã vẫn đang hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu trong chính ngôi nhà tự nhiên của mình bởi những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép vì lợi những ích trước mắt họ, cũng như vì những nhu cầu không đáng có với suy nghĩ thể hiện đẳng cấp của một bộ phận người trong xã hội.

Tuy nhiên phải khẳng định lại một lần nữa rằng, những người săn bắt, buôn bán và sử dụng động vật hoang dã “mất” nhiều hơn “được”. Ví dụ như bị phạt tù, phạt tiền, bị mất thanh danh, bị mắc các bệnh truyền nhiễm từ động vật hay mất đi cơ hội được sống chỉ vì tin vào hình thức chữa bệnh bằng các bài thuốc đông y làm từ động vật hoang dã. Từ đó, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình cũng như cả quốc gia và toàn thế giới! Nếu những hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD vẫn cứ tiếp diễn, đồng nghĩa với việc còn có khá nhiều người dân và gia đình còn phải sống một cuộc sống đói nghèo, không thoát ra được vòng luẩn quẩn, an sinh xã hội không được đảm bảo vì dịch bệnh hoành hành.

15
Hậu quả của việc sử dụng động vật hoang dã.

Vì vậy SVW muốn gửi tới tất cả mọi người thông điệp: “Hãy là người tiêu dùng sáng suốt vì bạn, vì gia đình và vì xã hội”! “Hãy chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng cách nói không với việc săn bắt, buôn bán và sử dụng động vật hoang dã cũng như mọi sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép”! Để tất cả mọi người dân Việt Nam được sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn, và để động vật hoang dã Việt Nam có một cuộc sống tự do trong chính ngôi nhà tự nhiên của chúng. Đồng hành cùng SVW thông qua: https://www.svw.vn/vi/tham-gia/