BÌNH LUẬN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 06/2019/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 84/2021/NĐ-CP

Nguyễn Ngọc Lan
Trần Tuấn Kiệt

Trong bài viết thứ tư này, chúng tôi sẽ thảo luận về các quy định liên quan đến hoạt động khai thác mẫu vật từ tự nhiên gồm (i) các trường hợp khai thác mẫu vật loài thuộc Phụ lục II CITES; (ii) hạn ngạch khai thác và (iii) các trường hợp cấm khai thác.

1. Trường hợp được khai thác mẫu vật loài Phụ lục II CITES từ tự nhiên
Điều 12 Nghị Định 06-84 cho phép khai thác từ tự nhiên mẫu vật loài Phụ lục II CITES “phục vụ thương mại bền vững theo quy định của pháp luật”. Toàn bộ cụm từ “ thương mại bền vững theo quy định của pháp luật” có nội hàm chưa rõ ràng và có thể gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật hoặc áp dụng không thống nhất bởi, nếu giải thích quy định chỉ dựa trên văn phong, không thể tìm thấy định nghĩa “thương mại bền vững” hay tiêu chí đánh giá, thẩm quyền đánh giá mức độ “bền vững” của hoạt động khai thác mẫu vật trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Khoản 13 Điều 1 Dự Thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 trên như theo hướng: được phép khai thác mẫu vật loài thuộc Phụ lục II CITES “phục vụ thương mại bền vững theo quy định tại Điều 35 Nghị định này”, tức dẫn chiếu đến quy định về hạn ngạch khai thác. Quy định này đã giúp làm rõ khái niệm “thương mại bền vững” mà Điều 12 Nghị Định 06-84 đề cập.

2. Quy định về hạn ngạch khai thác
Dự Thảo đưa ra sự thay đổi đáng kể đối với vấn đề hạn ngạch khai thác. Theo quy định tại Điều 35 Nghị Định 06-84, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES tại Việt Nam công bố hạn ngạch xuất khẩu do Ban thư ký CITES thông báo; hạn ngạch xuất khẩu đó sẽ được sử dụng làm căn cứ để xây dựng hạn ngạch khai thác.

Khoản 35 Điều 1 Dự Thảo đưa ra quy trình mới: Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có quyền chủ động đánh giá, đề xuất hạn ngạch xuất khẩu với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam; đến lượt mình, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xem xét đề nghị đó và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để công bố. Hạn ngạch khai thác có thể được xây dựng đối với các loài có hạn ngạch xuất khẩu.

Chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi tích cực này. Theo quy định mới Việt Nam sẽ có quyền chủ động trong việc đặt ra hạn ngạch xuất khẩu đối với các loài thuộc Phụ lục CITES trên lãnh thổ Việt Nam, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 14 (cuộc họp các quốc gia thành viên CITES thứ 15) về việc ban hành hạn ngạch xuất khẩu ở cấp độ quốc gia như một biện pháp quản lý bổ sung, bên cạnh hạn ngạch xuất khẩu ở cấp độ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam có thể xác định hạn ngạch khai thác một cách chủ động và linh hoạt hơn, phù hợp với nhu cầu quản lý và bảo tồn loài trong nước.

Chúng tôi cho rằng sự thay đổi này, cùng với sự sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp được phép khai thác mẫu vật loài Phụ lục II CITES kể trên, đã trao cho Việt Nam công cụ pháp lý mạnh hơn để quản lý hoạt động khai thác một cách hiệu quả.

3. Các trường hợp cấm khai thác mẫu vật từ tự nhiên
Khoản 13 Điều 1 Dự Thảo bổ sung thêm quy định cấm khai thác mẫu vật từ tự nhiên trong các trường hợp (i) khai thác động vật trong mùa sinh sản, mùa di cư; (ii) sử dụng công cụ, phương tiện bị cấm để khai thác; (iii) tại khu vực mà loài đó (loài di cư) sẽ di cư đến (trong mùa di cư của chúng); và (iv) trong khu rừng đặc dụng, trừ trường hợp khai thác mẫu vật phục vụ nghiên cứu khoa học. Theo chúng tôi quy định này có một số vấn đề như sau:

– Thứ nhất, quy định trên cho phép sử dụng công cụ, phương tiện bị cấm là không hợp lý. Như chúng tôi đã phân tích tại bài viết thứ nhất, các công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm sử dụng có thể (i) làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng, (ii) gây đau đớn kéo dài cho động vật, (iii) thể làm chết cả những cá thể động vật, thực vật rừng không phải đối tượng khai thác theo dự kiến hoặc (iv) (cạm bẫy) gây nguy hiểm cho con người. Những công cụ, phương tiện bị cấm trong Nghị Định 06-84 và cả trong Dự Thảo cũng đều thể hiện ít nhất một trong những tính chất nêu trên. Mục tiêu nghiên cứu khoa học không thể là lý do thuyết phục cho việc sử dụng các công cụ, phương tiện như vậy.

– Thứ hai, quy định trên có thể được diễn giải là hoạt động khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học được phép tiến hành trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, không phù hợp với điểm a Khoản 1 Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017.

– Thứ ba, về mặt kỹ thuật điều khoản mới này không tận dụng các thuật ngữ “khai thác trong khu vực bị cấm”, “khai thác trong thời gian bị cấm” và “sử dụng công cụ, phương tiện bị cấm” là không đảm bảo sự thống nhất.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị: Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 12 như sau:
“Hoạt động khai thác các loài động vật thuộc Phụ lục CITES phải tuân thủ Quy chế quản lý rừng. Không được tiến hành khai thác trong thời gian bị cấm khai thác và trong phạm vi khu vực bị cấm khai thác; không được sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm để khai thác”.

(còn tiếp)