Tại Đồng Nai, hiện có một quần thể voi châu Á hơn 20 con, cư trú chủ yếu giữa Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Các cộng đồng vùng đệm và quần thể voi đang gặp phải những mâu thuẫn và thiệt hại về kinh tế, về tài sản do các cuộc tấn công của voi do mất môi trường sống dẫn đến không gian chung giữa voi và con người ngày càng tăng lên.

Voi ở Việt Nam đang tiến gần đến ngưỡng tuyệt chủng và Đồng Nai là một trong nơi có quần thể voi quan trọng nhất trong cả nước. Để giải quyết những thách thức này, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu mâu thuẫn giữa voi và người, đồng thời xác định và thúc đẩy các chiến lược cùng tồn tại giữa cộng đồng và voi.

141

Để tìm hiểu vấn đề này, các cán bộ nghiên cứu của SVW tại Đồng Nai, với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo tồn Động vật Mohammed Bin Zayed, đã tìm cách sử dụng máy bay không người lái để giám sát động vật hoang dã ở khoảng cách xa. Với việc bao gồm các cảm biến nhiệt, tỷ lệ phát hiện các loài thú tăng lên rất nhiều trong bối cảnh thảm thực vật xung quanh có màu lạnh hơn.

142

Ảnh chụp đàn voi từ trên cao. Photo ©SVW.

Các cán bộ nghiên cứu theo dõi đàn voi di chuyển vào ban đêm và sáng sớm, xác định lối voi vào, vị trí lắp đặt camera Trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động gửi cảnh báo đến các bên liên quan và tạo mối liên kết giữa các công ty du lịch bền vững và nông dân.

140

Cán bộ nghiên cứu của SVW đi khảo sát người dân về đàn voi. Photo ©SVW.

Tiếp theo, các điểm xem voi an toàn sẽ được thiết lập. Camera thông minh sẽ gửi cảnh báo đến những đơn vị du lịch đưa khách du lịch đến các điểm xem voi. Việc phát triển du lịch bền vững sẽ có thể tạo ra nguồn thu nhập mang lại lợi ích cho nông dân để bù đắp lại những thiệt hại khi đàn voi đi ăn quả của các vườn cây trồng nơi chúng đi qua.

Giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ là đặt camera AI tại các điểm nóng nơi voi thường xuất hiện khi đến kiếm ăn ở các khu vực nông nghiệp vào ban đêm, nhờ đó người dân địa phương sẽ nhận được cảnh báo theo thời gian thực khi phát hiện voi. Với sự hỗ trợ của các công nghệ bảo tồn mới, việc giảm thiểu mâu thuẫn giữa người và voi cũng như nghiên cứu và giám sát voi sẽ an toàn hơn, hiệu quả hơn và có lợi cho cả con người và động vật hoang dã.