CHƯƠNG TRÌNH CỘNG ĐỒNG

SVW làm việc với cộng đồng địa phương nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã và thực thi pháp luật, cũng như phát triển sinh kế thay thế để giảm các tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, và truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Trong một nghiên cứu xã hội của SVW năm 2018, chúng tôi đã phỏng vấn 1.718 người dân sinh sống ở trong và xung quanh Vườn quốc gia Pù Mát, xác định nhiều “điểm nóng” săn bắt động vật hoang dã trong Vườn, giúp chúng tôi xây dựng bản hướng dẫn hoạt động nhằm hạn chế sự tham gia của cộng đồng trong việc săn bắt trái phép.

Sub1 06 01

Tổ chức hội thảo cộng đồng

Dựa trên cơ sở của nghiên cứu xã hội trước đó, vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, chúng tôi đã hợp tác với Vườn Quốc gia Pù Mát để thực hiện 9 buổi hội thảo cho cộng đồng địa phương tại các ‘điểm nóng’ săn bắt ĐVHD. Tổng cộng 1.199 người đã tham gia hội thảo, bao gồm người dân, trưởng bản và chính quyền địa phương. Nhiều thảo luận được tổ chức để trao đổi phương án tăng cường công tác xử lý pháp luật và tìm giải pháp khả thi để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thay thế cho các hoạt động săn bắt động vật hoang dã. 1.119 người tham gia đã ký cam kết không ăn, không tiêu thụ, không săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.

Các buổi hội thảo này đã tạo ra những thay đổi lớn trong cộng đồng địa phương. Theo kết quả của một cuộc khảo sát tại 27 thôn bản gần Vườn Quốc gia Pù Mát, 1/3 số người trong độ tuổi lao động đã rời các thôn bản nơi hội thảo diễn ra, để tìm việc làm sau Tết Nguyên Đán 2019. Số lượng người lao động di cư tăng mạnh so với những năm trước, và nhiều người địa phương chia sẻ rằng một phần lý do đến từ tác động của công tác tăng cường thực thi pháp luật và các hoạt động hội thảo giáo dục – nâng cao nhận thức cộng đồng.

Sử dụng các bảng tuyên truyền cỡ lớn nhằm nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật bảo vệ rừng

Nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã và thực thi pháp luật, SVW đã phối hợp với Vườn Quốc gia Pù Mát, hoàn thành việc lắp đặt 35 bảng tuyên truyền cỡ lớn tại các lối vào rừng, các tuyến đường giao thông, đường mòn lối mở, điểm nóng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An. Hoạt động này cộng hưởng với công tác tăng cường thực thi pháp luật, bảo vệ sinh cảnh, nghiên cứu bảo tồn, nhằm mang đến giải pháp toàn diện để đảm bảo một môi trường sống an toàn cho động vật hoang dã. Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về hoạt động tại đây.

Sub1 06 12

Phát triển nhiều công cụ tiếp cận giáo dục bền vững hơn nhằm khuyến khích người dân sống phụ thuộc vào rừng tham gia vào các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã

SVW hướng tới việc tạo ra các công cụ bảo tồn đơn giản và chi phí thấp, để kiểm lâm, giáo viên và cán bộ chính quyền địa phương tại Pù Mát có thể sử dụng trong thời gian dài, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh và cộng đồng địa phương. Vì vậy, chúng tôi lên kế hoạch tạo ra một loạt bài phát thanh song ngữ (bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số) để truyền thông tin và thông điệp bảo tồn đến học sinh và cộng đồng địa phương. Bài phát thanh sẽ được thu âm lại và lưu trữ vào thẻ nhớ để chuyển đến cho kiểm lâm, giáo viên và cán bộ địa phương trong khu vực để phát sóng thường xuyên, lâu dài thông qua hệ thống loa phát thanh tại các thôn bản.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo một bộ công cụ tuyên truyền cầm tay để đội Bảo vệ rừng của SVW và Kiểm lâm Vườn có thể mang theo và sử dụng khi thảo luận với người dân trong quá trình tuần tra hoặc trong các lần gặp gỡ người dân. Bộ tuyên truyền này được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính bền vững dẫn đến những tác động dài hạn của các hoạt động và chương trình cộng đồng. 

Sub1 06 13

Phát triển sinh kế thay thế cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên

Hơn 88,9% hộ nghèo và cận nghèo được khảo sát tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết nhu cầu mưu sinh là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi tàn phá rừng của họ (SVW, 2018). SVW và đối tác địa phương không ngừng nỗ lực tăng thu nhập cho người dân, với hy vọng sẽ làm giảm hành vi vào rừng săn bắt trái phép cũng như khai thác quá mức tài nguyên rừng. Hiện SVW đang hỗ trợ Vườn Quốc gia Pù Mát tăng năng suất hoạt động giao khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao đời sống người dân.

Hơn thế nữa, SVW hướng tới phát triển các sinh kế thay thế phù hợp và giới thiệu nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân địa phương. Chúng tôi đã thu thập nhiều ý kiến về nguyện vọng phát triển sinh kế thay thế từ 2.837 lãnh đạo và người dân từ 105 thôn bản thuộc 16 xã xung quanh Vườn quốc gia Pù Mát. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang lên kế hoạch kết nối các doanh nghiệp tư nhân và xã hội, để phát triển và thực hiện sinh kế thay thế trên địa bàn. Các giải pháp thay thế này sẽ tận dụng những ưu thế của các sinh kế thực hiện trước đây tại địa phương, đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí, cũng như sự chấp thuận và tham gia của cộng đồng địa phương, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã.