Ngày 22/09/2022, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp cùng Vườn quốc gia Cúc Phương và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma tuý, Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá đã cứu hộ hai cá thể Cầy vằn bắc tịch thu từ hai đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép trên địa bàn huyện và bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ vào tối ngày 21/09/2022.
Đây là hai cá thể Cầy vằn bắc được hai đối tượng trên mua từ người dân bẫy bắt từ trong rừng. Cả hai đều bị thương nặng ở chân do dính bẫy, trong đó có một cá thể rất yếu, suy nhược nghiêm trọng. Cá thể này đã không qua khỏi sau khi về trung tâm cứu hộ một ngày.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, hiện nay Vườn quốc gia Cúc Phương đang phối hợp cùng SVW trong việc mở rộng xây dựng chương trình sinh sản bảo tồn loài Cầy vằn bắc để tái thả và phục hồi quần thể ngoài tự nhiên sau này. Trong đó dự kiến một khu sinh sản bảo tồn Cầy vằn sẽ được xây dựng trên diện tích gần 1ha tại Vườn quốc gia Cúc Phương với 50 khu chuồng sinh sản bảo tồn cho loài Cầy vằn bắc. Dự kiến tương lai sẽ lưu giữ lên tới 50 cá thể và có thể tái thả về tự nhiên mỗi năm từ 6-10 cá thể.
Cầy vằn bắc là một loài đặc hữu của Đông Dương và là một trong những loài thú ăn thịt có diện tích phân bố hẹp nhất, chỉ phân bố ở 3 nước là Việt Nam, đông Lào và một phần phía nam Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là nước mà Cầy vằn phân bố chính. Cầy vằn bắc được Sách đỏ IUCN xếp vào loài Nguy Cấp và có thể xem xét đưa vào xếp loại Rất nguy cấp (Timmins et al., 2016). Trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Cầy vằn bắc nằm trong danh mục nhóm IB.
Quần thể Cầy vằn bắc ngoài tự nhiên đã suy giảm hơn 50% trong vòng 15 năm qua, và có xu hướng suy giảm tương tự trong vòng 15 năm tới (Timmins et al., 2016). Dù vẫn ghi nhận qua bẫy ảnh và quan sát được tại một vài điểm, nhưng tần suất và phạm vi bắt gặp của loài ngày càng ít do các hoạt động săn bắn, bẫy bắt trái phép, đặc biệt là sử dụng bẫy dây đối với loài kiếm mồi dưới đất như Cầy vằn bắc.