Vừa qua, nhóm Giáo dục và Nâng cao nhận thức của SVW đã hoàn thiện nội dung, thiết kế và tiến hành sản xuất một bộ trò chơi mang tên “Đường về nhà” để sử dụng cho học sinh các trường Tiểu học và THCS vùng đệm VQG Pù Mát, thuộc khuôn khổ chương trình Giáo dục Bảo tồn Thiên nhiên tại trường học cho trẻ em vùng đệm. Đây là phương án dự phòng cho Sự kiện Bảo tồn 2 dự kiến tổ chức tập trung học sinh vào học kỳ I năm học 2021-2022 tại các trường, nhằm đảm bảo cung cấp kiến thức cho học sinh không gián đoạn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Cô Lê Thị Kim Ngân – Điều phối của nhóm Giáo dục và Nâng cao nhận thức cho biết: “Bộ trò chơi đầy tính sáng tạo và tương tác này sẽ giúp các em vừa được chơi thật vui, lại vừa chủ động tiếp nhận và nhớ những kiến thức vô cùng bổ ích về thiên nhiên, động vật hoang dã rừng Pù Mát. Trò chơi đưa học sinh theo chân các bạn linh vật Tê tê, Rái cá, Sao la và Voi vượt qua các cạm bẫy nguy hiểm trong rừng của thợ săn để an toàn trở về nhà. Ưu điểm của bộ trò chơi là các giáo viên có thể sử dụng lại nhiều lần, cho nhiều lứa học sinh ở các năm học khác nhau.”
Bìa ngoài và bản đồ khu rừng của bộ trò chơi “Đường về nhà”
Mỗi bộ trò chơi bao gồm một tấm bản đồ lớn, một bộ thẻ bài, bốn linh vật Voi, Tê tê, Sao la, Rái cá đại diện cho bốn đội chơi, cùng một tờ hướng dẫn và đáp án dành riêng cho quản trò. Trong đó, thành phần đặc biệt và quan trọng nhất chính là bộ thẻ bài gồm 70 tấm với nội dung là các thử thách vui nhộn hoặc các câu hỏi về thiên nhiên và động vật hoang dã, đặc biệt liên quan tới rừng Pù Mát. Để di chuyển các linh vật trên bản đồ, học sinh cần bốc một tấm thẻ bài bất kỳ và thực hiện thử thách hoặc trả lời đúng câu hỏi có trên thẻ bài.
Bên trong một bộ trò chơi “Đường về nhà”
Cô Đặng Quỳnh Trang – Cán bộ Giáo dục và Nâng cao nhận thức chia sẻ: “Do sự khác biệt về khả năng, kiến thức và tâm lý của trẻ ở từng lứa tuổi, chúng tôi đã xây dựng song song hai bộ trò chơi dành cho học sinh Tiểu học và THCS, chỉ khác nhau về nội dung bộ thẻ bài. Các thử thách như đứng lên ngồi xuống, nhảy lò cò, hát một bài hát liên quan tới động vật… được thiết kế khéo léo nhằm phù hợp với nhu cầu vận động của học sinh, gây cười và tạo hứng thú cho các em. Các câu hỏi về bảo tồn đều được lựa chọn kỹ càng dựa theo khả năng và trình độ của từng độ tuổi, đồng thời thông tin được xác thực chính xác với những bên liên quan (nhóm Nghiên cứu, đội Bảo vệ rừng, Kiểm lâm VQG Pù Mát…). Các hình ảnh lựa chọn để mô tả cho câu hỏi ưu tiên là những hình ảnh rõ ràng, sinh động, để dễ dàng thu hút sự chú ý của các em.”
Trong tháng 9 năm 2021, nhóm tổ chức chơi thử bộ trò chơi hai lần, với đối tượng là nhân viên của SVW và các em học sinh Tiểu học là con em cán bộ VQG Pù Mát, và đã nhận được những góp ý rất bổ ích và thiết thực về nội dung và hình thức nhằm góp phần hoàn thiện bộ trò chơi.
Tổ chức chơi thử với nhân viên SVW và các em học sinh Tiểu học là con em cán bộ VQG Pù Mát
Bộ trò chơi “Đường về nhà” sẽ được phân phát tới các trường trong tháng 10 năm 2021, để các giáo viên Chủ nhiệm có thể chủ động và linh hoạt tổ chức cho các em học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.
Về “Chương trình Giáo dục Nâng cao nhận thức Bảo tồn Thiên nhiên và Động vật hoang dã VQG Pù Mát”:
Chương trình Giáo dục bảo tồn tại trường học cho trẻ em vùng đệm VQG Pù Mát do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp với Hạt Kiểm lâm VQG Pù Mát triển khai dưới sự tài trợ của Tổ chức Welttierschutzgesellschaft e.V. (WTG). Chương trình gồm 5 hợp phần chính: (1) Nghiên cứu khảo sát về nhận thức – thái độ – hành vi của học sinh về bảo vệ ĐVHD trước và sau chương trình nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp giáo dục bảo tồn; (2) Sự kiện bảo tồn lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ lên lớp; (3) Câu lạc bộ “Cùng em bảo vệ rừng Pù Mát” tại các trường học vùng đệm VQG Pù Mát; (4) Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh được tiếp xúc gần và hiểu hơn về thiên nhiên hoang dã; (5) “Tuyên truyền viên nhí” với nội dung tuyên truyền kêu gọi bảo vệ ĐVHD, phát thanh tại các trường học và thôn bản thuộc các huyện vùng đệm VQG Pù Mát. Chương trình thực hiện tại tất cả các trường, điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn các xã Yên Khê, Châu Khê, Môn Sơn và Thị trấn Con Cuông, thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh website và trang thông tin facebook chính thức của SVW, hình ảnh và thông tin hoạt động chương trình sẽ được cập nhật liên tục tại trang tin Giáo dục Bảo tồn Thiên nhiên: https://facebook.com/GiaoDucBaoTonThienNhien.svw.vn. Xin mời các bạn quan tâm cùng theo dõi và lan tỏa thông điệp giáo dục bảo tồn của chương trình đến với cộng đồng.