Ngày 16 tháng 6 năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) đã phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương và Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSDT) Công an tỉnh Hoà Bình giải cứu một cá thể tê tê vàng quý hiếm.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Hoà Bình, đối tượng Bùi Văn A đang trên đường vận chuyển tê tê vàng bằng xe máy từ xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình ra thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình thì bị Cơ quan CSDT, Công an tỉnh Hoà Bình phối hợp với đội Cảnh sát giao thông huyện Yên Thuỷ bắt giữ đầu giờ chiều ngày 15/6. Đối tượng khai mua từ một người dân ở xã Ngọc Lương đi soi đêm bắt được ở rừng. Hơn nữa, đối tượng này đã từng nuôi, buôn bán động vật rừng. Hiện tại đối tượng đã bị bắt giữ và tạm giam chờ điều tra xét xử.
Chúng tôi mang tê tê về ngay trong đêm. Photo © SVW
Sau khi tịch thu tang vật, cá thể tê tê vàng này đã được đưa lên Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật ở Hà Nội giám định. Cùng ngày, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên hệ với SVW để bàn giao, chăm sóc. Nhận được thông tin, đội Phản ứng nhanh của SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương ngay lập tức lên đường trong đêm 15/6/2023 để đưa cá thể về trung tâm cứu hộ. Đây là một cá thể tê tê vàng đực, nặng khoảng 6kg, trong trạng thái căng thẳng, chưa phát hiện vết thương nghiêm trọng. “Khi nắm được thông tin, chúng tôi đã nỗ lực để có thể đưa được cá thể này về trung tâm nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo sức khoẻ cho cá thể động vật và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình.”, anh Trần Văn Trường, Điều phối cứu hộ của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ. Tê tê vàng là động vật quý hiếm, hiện tại số lượng cá thể ngoài tự nhiên còn ít.
Vì có giá trị cao nên người dân thường bắt tê tê về bán chứ không sử dụng. Photo © SVW
Trong những năm gần đây, những câu chuyện về động vật hoang dã (ĐVHD) được chú ý hơn, thông qua việc ban hành mới những văn bản pháp luật hay sửa đổi bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan tới bảo tồn động vật hoang dã. Những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn bán, săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã đã được quy định cụ thể và chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một kẽ hở lớn về hành vi sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật trong các quy định, luật như luật hình sự sửa đổi năm 2015, Luật đa dạng sinh học sửa đổi năm 2018 (32/VBHN-VPQH), Luật lâm nghiệp năm 2017 (16/2017/QH14), Nghị định 35/2019/NĐ-CP, nghị định 160/2013/NĐ-CP, nghị định 64/2019/NĐ-CP, nghị định 06/2019/NĐ-CP, nghị định 26/2019/NĐ-CP, chỉ thị 29/2020/CT-TTg. Điều này khiến các cơ quan chức năng gặp lúng túng, khó khăn trong việc xử lý các vụ việc và những vụ án liên quan. Trong các quy định của pháp luật, hành vi “sử dụng/tiêu thụ động vật hoang dã” thường KHÔNG được nhắc tới, hoặc nếu có cũng bị thiếu các khái niệm/định nghĩa và các quy định xử phạt.
Để có thể ngăn chặn được nạn săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ sự đa dạng sinh học của Việt Nam cần sự nỗ lực và chung tay phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị bảo tồn cũng như cần có một khái niệm, định nghĩa cụ thể và các chế tài xử phạt đi kèm để xử lý những vụ việc liên quan đến hoạt động “sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã” trái phép.