• Post author:
  • Post category:Tin tức

Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn hóa Việt Nam, hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) đã trở thành một biểu tượng gắn liền chặt chẽ với đời sống người dân. Hình tượng con hổ không chỉ gắn với 12 con giáp mà còn xuất hiện trong văn hóa, nghệ thuật trang trí, tạo hình trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của người Việt, từ hình ảnh con hổ khắc trên mặt trống đồng thời Đông Sơn, đến trên tượng hổ đá thời Trần, đồ gốm thời Lê và trên mặt cửu đỉnh thời Nguyễn.

Ho Dong Duong

Hổ Đông Dương – © WAR/Nguyễn Vũ Khôi

Bên cạnh đó, hình tượng con hổ cũng tồn tại trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam với những biểu hiện, hình thức phong phú và đặc sắc. Con hổ xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam, trong đó điển hình là tranh Ngũ hổ hàng Trống. Chỉ cần treo một bức tranh Ngũ hổ trong nhà, chẳng cần hỏi chủ nhà là ai, ta cũng có thể biết đó là người Việt Nam.

Ho Dong Duong 3 ccexpress

Hình tượng Hổ Đông Dương trong tác phẩm nghệ thuật Việt Nam – © Báo Thể thao và Văn hóa

Thêm vào đó, trong kho tàng văn hóa Việt Nam, chúng ta có rất nhiều những câu ngạn ngữ, tục ngữ liên quan tới hổ và nhiều câu vẫn được sử dụng trong những câu chuyện phiếm hàng ngày hay trên mặt báo như “Hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con”, hay “Hổ phụ sinh hổ tử”. Hổ cũng là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn mà đã được truyền từ nhiều thế hệ người Việt Nam. Và dường như ai trong chúng ta cũng đã được học những tác phẩm văn học với nguồn cảm hứng từ hổ, ví dụ như bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.

Tuy Hổ Đông Dương mang tính biểu tượng cao và có mối quan hệ gắn liền chặt chẽ với đời sống văn hóa của người Việt Nam như vậy, số lượng hổ ngoài tự nhiên lại suy giảm nghiêm trọng. Theo Sách đỏ Việt Nam, Hổ Đông Dương đang thuộc danh mục các loài Cực kỳ nguy cấp. Một trong những nguyên nhân chính đẩy loài hổ đến bờ vực của sự tuyệt chủng là việc suy giảm môi trường sống tự nhiên của loài hổ. Theo Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020, diện tích rừng nguyên sinh trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã bị thu hẹp, chỉ còn chiếm 0,25% (VNExpress, 2020). Trong khi hổ là loài cần một sinh cảnh sống tự nhiên rất lớn với mỗi con hổ cần một lãnh thổ riêng với diện tích khoảng từ 200 đến 1000 ki lô mét vuông (ThoughtCo, 2019). Với tình trạng bị mất môi trường sống cùng với nguồn thức ăn cạn kiệt, tập tính tự nhiên của loài hổ không được thỏa mãn, gây ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống, trực tiếp đẩy loài hổ tới gần nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, nạn săn bắt và buôn bán hổ trái phép phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm từ hổ cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng loài hổ trở nên vô cùng nguy cấp. Trong giai đoạn 2004-2019, Việt Nam có liên quan đến 600 vụ bắt giữ có liên quan đến săn bắn động vật hoang dã trái phép, trong đó khối lượng da, xương, cao, bị thu giữ tương đương với 228 cá thể hổ bị săn bắt trộm (EIA, 2019). Bên cạnh đó, việc buôn bán hổ trái phép cũng đang diễn ra vô cùng phức tạp, dù đã có nhiều chế tài xử phạt được đặt ra. Theo báo cáo của TRAFFIC năm 2019, chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng, có tới 187 quảng cáo trực tuyến về các sản phẩm từ hổ được đăng trên mạng xã hội và nhiều trang thương mại điện tử. Rõ ràng là, nạn săn bắt, mua bán và tiêu thụ hổ trái phép đang đẩy loài hổ vào tình trạng tận diệt.

Ho Dong Duong 1

Xác hổ đông lạnh bị thu giữ trong những vụ buôn bán trái phép – © Báo Thể thao và Văn hóa

Ngày nay, dù diện tích rừng đã được bảo vệ, cũng như công tác thực thi pháp luật được đẩy mạnh và nhận thức của người dân đã được nâng cao hơn, hổ Đông Dương, một biểu tượng văn hóa nghìn đời, một hình tượng thân thuộc trong đời sống, vẫn gần như biến mất khỏi những khu rừng, gây nên sự mất mát to lớn về mặt văn hóa cho mỗi con người Việt Nam ta. Để có thể bảo tồn loài hổ, cũng như bảo tồn một hình tượng đặc biệt trong đời sống vật chất và tinh thần người Việt, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức ngăn chặn nạn săn bắt, mua bán và tiêu thụ hổ trái phép.

Xét về khía cạnh khoa học, loài hổ có vai trò sống còn đối với con người chúng ta. Theo WWF India (n.d), nếu loài hổ bị suy giảm hoặc biến mất hoàn toàn khỏi một hệ sinh thái, thì toàn bộ hệ sinh thái đó sẽ hoàn toàn bị phá vỡ. Không có hổ, số lượng loài thú móng guốc sẽ tăng lên và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thực vật trong rừng. Thế hệ cây con mới sinh sẽ bị chúng ăn và phá hoại, gây nên sự sụt giảm của cây cối trong rừng. Điều này hiển nhiên dẫn đến việc đất bị xói mòn do thiếu sự che phủ của thực vật và dần dần rừng sẽ suy thoái. Không có rừng, thì nguồn nước sạch, không khí trong lành trên trái đất sẽ bị giảm sút và chúng ta sẽ phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt hơn. Vậy nên, chỉ có bảo vệ loài hổ thì mới bảo vệ được sự sống của con người chúng ta trên trái đất này.

Hiện nay, số lượng loài hổ đang sụt giảm một cách đáng báo động tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), năm 1900 còn 100,000 con hổ ngoài tự nhiên. Đến năm 2014, con số này giảm xuống hơn 90% với số lượng hổ chỉ còn 3,500 con trên toàn thế giới. Năm 1997 đánh dấu cột mốc lần cuối cùng hổ Đông Dương được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam qua bẫy ảnh (Lynam, 2010). Theo số liệu cập nhật năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, nước Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ Đông Dương trong tự nhiên (Indenbaum, 2018). Những con số trên cho thấy chúng ta, người Việt Nam, không thể tiếp tục thờ ơ với những hành vi săn bắn, mua bán hổ nữa và cần hành động quyết liệt hơn để có thể bảo tồn hổ Đông Dương.

Ho Dong Duong 2

Ảnh cá thể hổ Đông Dương trong tự nhiên được bẫy ảnh ghi nhận tại 1 VQG tại Việt Nam năm 1997- © VQG Pù Mát

Dù quần thể hổ Đông Dương đã ở mức báo động, vẫn chưa phải là quá muộn để chúng ta hành động bảo vệ hổ. Ông Stuart Chapman, người đứng đầu Sáng kiến Tiger Alive của WWF, khẳng định rằng việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên, chấm dứt nạn săn bắn trộm, giảm cầu sử dụng sản phẩm từ hổ, cùng với những nỗ lực của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn hổ, sẽ giúp phục hồi quần thể hổ ngoài tự nhiên (trích nguồn từ WWF, 2021). Một ví dụ về tinh thần quyết tâm của người dân Ấn Độ là sự kiện diễu hành kêu gọi bảo vệ loài hổ của 2,000 học sinh tại thủ đô New Delhi, như một nỗ lực trong việc bảo tồn hổ của người dân và chính phủ Ấn Độ, điều mà mang lại kết quả tích cực cho sự phát triển của quần thể hổ tại nước này. Bằng chứng là quần thể hổ tại các nước như Ấn Độ, Nepal và Nga tăng gấp đôi số lượng trong những năm gần đây (WWF, 2020). Rõ ràng là vẫn còn cơ hội cho chúng ta phục hồi quần thể hổ Đông Dương. Chỉ cần người Việt Nam chúng ta quyết tâm hành động, chúng ta có thể bảo tồn loài hổ Đông Dương.

Là một người dân Việt Nam, chúng ta có thể chung tay bảo vệ loài hổ bằng nhiều cách khác nhau. Để giảm nhu cầu tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ, chúng ta không nên ăn thịt hổ, sử dụng cao hổ và các sản phẩm khác từ hổ, cũng như kêu gọi người thân, gia đình, bạn bè của mình không sử dụng các sản phẩm từ hổ. Khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ không còn thì loài hổ Đông Dương mới có thể thoát khỏi nạn săn bắt trộm.

Bên cạnh đó, bằng cách báo cáo các vi phạm liên quan sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép, chúng ta cũng đang góp phần chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo, tiêu thụ, tàng trữ ĐVHD trái phép. Tại Việt Nam, Hổ thuộc danh mục các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 17/7/2019) và thuộc nhóm IB – danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (Theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021). Việc chúng ta thờ ơ với các hành vi vi phạm, chính là đang tiếp tay cho các vi phạm đó. Nếu bạn bắt gặp các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo ĐVHD trái phép, hãy báo cáo cho chúng tôi bằng cách điền thông tin vào đơn Báo cáo vi phạm trên trang website https://tuchoithitdongvathoangda.com hoặc gọi cho đường dây nóng 18001522 của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV.

Và cuối cùng, hiện nay đang có rất nhiều tổ chức bảo tồn hổ tại Việt Nam và trên thế giới đang nỗ lực làm việc ngày đêm để có thể ngăn chặn sự biến mất của các loài hổ trên trái đất này. Trong số đó, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy các đơn vị bảo tồn và chính quyền địa phương tăng cường công tác thực thi pháp luật, nhằm triệt phá các đường dây săn bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hổ trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, bảo vệ sinh cảnh, nâng cao nhận thức cộng đồng, và thay đổi hành vi nhằm giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng.

Cộng đồng có thể ủng hộ hoạt động của họ bằng hỗ trợ lan tỏa thông điệp Không sử dụng sản phẩm từ Động vật hoang dã đến nhiều người hơn, hoặc đóng góp nguồn kinh phí cho những hoạt động của Save Vietnam’s Wildlife và các tổ chức bảo tồn. Không có sự nỗ lực nào là nhỏ bé, chỉ cần chúng ta đồng lòng hành động thì chúng ta có thể hoàn toàn chấm dứt việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ hổ trái phép, để quần thể hổ ngoài tự nhiên có thể được phục hồi.

Năm mới Nhâm Dần đang đến với tinh thần mới. Chúng ta hãy cùng đón năm con hổ với tinh thần mạnh mẽ và kiên định của loài hổ. Hãy cùng hành động để bảo vệ hổ, một biểu tượng văn hóa lâu đời của nước Việt Nam và một thành viên quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta, để hổ Đông Dương có thể tồn tại mãi trong đời sống của chúng ta về sau.

Tài liệu tham khảo / References:

VNExpress. (2020). Primary forest coverage shrinks to 0.25 percent in Vietnam. VNExpress. https://e.vnexpress.net/news/news/primary-forest-coverage-shrinks-to-0-25-percent-in-vietnam-4191696.html

ThoughtCo. (2019). Tiger Facts: Habitat, Behavior, Diet. ThoughtCo. https://www.thoughtco.com/what-is-a-tiger-129743

EIA. (2019). Running out of time: Wildlife Crime Justice Failures in Vietnam. EIA. https://eia-international.org/wp-content/uploads/EIA-report-Running-out-of-Time.pdf

TRAFFIC. (2019). TIGER PRODUCT CONSUMERS Suggested demand reduction messaging. TRAFFIC. https://www.traffic.org/site/assets/files/12254/tiger-product-consumers-web.pdf

WWFIndia. (n.d). Why should we save tigers?. WWFIndia. https://www.wwfindia.org/about_wwf/priority_species/bengal_tiger/why_save_the_tigers/

IUCN. (2021). Impact results from projects implemented between 2015 and 2021 – INTEGRATED TIGER HABITAT CONSERVATION PROGRAMME. IUCN. https://iucnsos.org/wp-content/uploads/2021/09/ITHCP-Phase-I-Impact-Report-updated-09.2021.pdf

Lynam, A. J. (2010). Securing a future for wild Indochinese tigers: Transforming tiger vacuums into tiger source sites. Integrative Zoology, 5(4), 324-334. http://dx.doi.org/ 10.1111/j.1749-4877.2010.00220.x

Indenbaum, R. (2018). A rapid assessment of the Tiger Trade in Viet Nam. TRAFFIC. https://www.traffic.org/site/assets/files/10567/bulletin-30_1-tiger-assessment-vietnam.pdf

WWF. (2021). Global Tiger Day marks uneven progress towards the global goal to double wild tigers by 2022. WWF. https://tigers.panda.org/?4161941/Global-Tiger-Day-Southeast-Asia-progress-goal-double-wild-tigers

WWF. (2020). Global Tiger Day marks mixed progress 10 years after governments commit to doubling wild tigers. WWF. https://wwf.panda.org/wwf_news/?364750/Global-Tiger-Day-2020