• Post author:
  • Post category:Tin tức

Kết quả, những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề chung trong công tác cứu hộ động vật hoang dã đã được thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo “Tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả trong công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 30/11 và 01/12 tại VQG Cúc Phương do Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) tổ chức với sự tham gia của 40 đại biểu đến từ Cục Kiểm lâm, Vụ quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, lãnh đạo đơn vị quản lý của các cơ sở và trung tâm cứu hộ ĐVHD trực thuộc các VQG và các tổ chức phi lợi nhuận trên cả nước.

66

Photo ©SVW.

Hiện nay trong cả nước có 20 đơn vị (trực thuộc nhà nước và ngoài công lập) đang thực hiện các hoạt động cứu hộ và sinh sản bảo tồn động vật hoang dã. Tổng số lượng động vật hoang dã được cứu hộ thống kê được là 47 ngàn cá thể, trong đó 15/20 trung tâm cứu hộ đa dạng loài. Mặc dù vậy sự hợp tác, kết nối, chia sẻ nguồn lực, nâng cao năng lực giữa các đơn vị chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh vốn có.

67

Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ các nội dung bao gồm quy trình cứu hộ, kỹ thuật chăm sóc, kiểm dịch và tái thả động vật hoang dã bị tịch thu. Photo ©SVW.

Các đại diện cũng đã chỉ ra một số những tồn tại trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về cứu hộ động vật hoang dã như giám định, thời gian xử lý động vật hoang dã là tang vật tịch thu từ các vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép kéo dài, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân còn phức tạp đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cũng như gây áp lực về nguồn lực, kỹ thuật lên các đơn vị cứu hộ ĐVHD. Bên cạnh đó, việc chia sẻ nguồn lực trong công tác cứu hộ, xây dựng cơ chế tài chính bền vững và tìm kiếm tài trợ nhằm nâng cao năng lực cứu hộ ĐVHD cho các Trung tâm cứu hộ cũng là chủ đề được rất nhiều đại biểu quan tâm và mong muốn tìm kiếm các giải pháp phù hợp.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hiệp – đại diện Vụ quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chia sẻ: Dù không trực tiếp tham gia cứu hộ nhưng Tổng cục Lâm nghiệp đang có kế hoạch xây dựng định mức kỹ thuật phục hồi, cứu hộ và tái thả  ĐVHD. Vì vậy, chúng tôi mong muốn lắng nghe chia sẻ từ các trung tâm cứu hộ trên cả nước để có thể tham mưu kịp thời, sửa đồi chính sách pháp luật phù hợp, nắm bắt thực tiễn công tác cứu hộ ĐVHD.

65

Cứu hộ động vật hoang dã là công tác hết sức rủi ro. Photo ©SVW.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng cứu hộ động vật hoang dã là công tác hết sức rủi ro. Trong khi các trung tâm cứu hộ nằm rải rác khắp cả nước, việc có một mạng lưới liên kết là cực kỳ quan trọng để các đơn vị chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ kịp thời các loài cho đến khi chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận phù hợp.

Kết thúc hội thảo, 22/24 đơn vị đã thống nhất thành lập mạng lưới Cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam (Vietnam Wildlife Rescue Network (WRN) với sự điều phối từ các đơn vị cứu hộ đại diện ba miền và các tổ chức phi lợi nhuận, nhằm mục tiêu Tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả trong công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (SVW): Trong thời gian tới, Hội đồng quản lý sẽ thảo luận và xây dựng quy chế, cách thức hoạt động của Mạng lưới cứu hộ ĐVHD Việt Nam gửi tới các đơn vị thành viên. Chúng tôi hy vọng sau khi đi vào hoạt động, Mạng lưới Cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam có thể tạo ra nhiều thay đổi tích cực và mang lại những hiệu quả lâu dài và bền vững trong công tác cứu hộ ĐVHD tại Việt Nam.