Đồng Nai, chiều ngày 29 tháng 10 năm 2021 – Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên đã có buổi trao đổi, thảo luận về “Chương trình hợp tác: Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ rừng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ SMART vào công tác tuần tra bảo vệ rừng” với sự tài trợ của Shire Oak International. Tham gia buổi thảo luận có ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW cùng ông Lê Văn Dũng, Trưởng nhóm thực thi pháp luật và 5 cán bộ Bảo vệ rừng trong đội Anti-poaching. Về phía Vườn quốc gia Cát Tiên có ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn QG Cát Tiên, ông Nguyễn Văn Minh – PGĐ, ông Nguyễn Văn Thanh – PGĐ, ông Nguyễn Thanh Long phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cát Tiên và các cán bộ hành chính nhân sự.

Anti poaching Tap Huan Cat Tien Oct2021 SVW
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW trình bày giới thiệu về SVW. Ảnh: SVW                       

Buổi thảo luận tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai bên trong việc tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, bao gồm ứng dụng công nghệ trong tuần tra bảo vệ rừng (SMART và POACHERCAM). Ngoài ra, đại diện của hai bên cũng thảo luận rõ vai trò, trách nhiệm cũng như công việc của các cán bộ bảo vệ rừng của SVW trong công tác bảo vệ rừng, tham gia cứu hộ động vật hoang dã, tuyên truyền nâng cao nhận thức và các chương trình tập huấn SMART với cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên, tiến tới sự hợp tác lâu dài giữa hai bên.

Ông Phạm Hồng Lượng – Giám đốc VQG Cát Tiên phát biểu trong buổi thảo luận: “Chúng tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao sự quan tâm, hợp tác của Save Vietnam’s Wildlife – Một tổ chức phi lợi nhuận đã có nhiều nỗ lực, kinh nghiệm và thành công trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam. Hy vọng, trong thời gian tới với việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ của 2 bên trong việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý tài nguyên rừng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng, của Việt Nam và toàn thế giới nói chung”.

Photo by Khanh Hoang Da 5
Ông Phạm Hồng Lượng (thứ 2 bên trái): “Hy vọng trong thời gian tới, hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng và theo dõi diễn biến rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ tiếp tục được cải thiện.” Photo: @ Khánh Hoang Dã

Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, đội chuyên trách bảo vệ rừng Anti-poaching của SVW cũng đã tham gia lớp tập huấn võ thuật cùng lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên. Khóa huấn luyện diễn ra trong 2 ngày 30 và 31 tháng 10 năm 2021 nhằm đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ kiểm lâm.

Bà Lê Thị Ngọc Lắm, cán bộ Bảo vệ Rừng chia sẻ sau buổi tập huấn: “Sau buổi lễ bàn giao lần này về việc bảo vệ rừng là một hoạt động rất ý nghĩa, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên đơn vị với nhau. Với mục tiêu chung là bảo vệ sinh cảnh rừng và các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Tôi và các đồng nghiệp nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng, tăng hiệu quả trong công tác bảo tồn, giúp công tác bảo vệ rừng và thực thi pháp luật một cách hiệu quả.”


THÔNG TIN THÊM

Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW)

Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (tên tiếng Anh: Save Vietnam’s Wildlife, viết tắt SVW) là tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập năm 2014 theo quyết định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nsam. Kể từ khi thành lập, SVW đã thực hiện trực tiếp cứu hộ gần 2000 cá thể động vật hoang dã, đồng thời bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và vận động thay đổi các chính sách bảo tồn động vật hoang dã cho phù hợp với thực tiễn.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ Việt Nam trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên. Trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với tổng diện tích là 71.187,9 ha, được bao quanh bởi 90km sông Đồng Nai, đây là một khu rừng chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu không riêng của Việt Nam. Điểu đó đã được khẳng định thông qua danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2001; Ban Thư ký công ước Ramsar công nhận khu đất ngập nước Bàu Sấu là khu ramsar có tầm quan trọng quốc tế vào năm 2005 và vào ngày du lịch thế giới ngày 27/9/2012, Chính phủ Việt Nam đã xếp hạng Vườn quốc gia Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt.

Đội chuyên trách bảo vệ rừng Anti-poaching

Năm 2018, SVW đã thành lập một Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Đơn vị này đang được đồng quản lý bởi Vườn quốc gia Pù Mát và Save Vietnam’s Wildlife. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, triển khai mô hình chuyên trách bảo vệ rừng. Sau 3 năm hoạt động với rất nhiều thành công của đội chuyên trách bảo vệ rừng ở VQG Pù Mát, năm 2021 SVW tiếp tục hợp tác và phối hợp triển khai mô hình này tại 4 VQG khác ở Việt Nam bao gồm: VQG Cúc Phương, VQG Cát Tiên, VQG U Minh Thượng và VGQ U Minh Hạ.

Đội chuyên trách bảo vệ rừng bao gồm các cán bộ kiểm lâm chuyên trách, được huấn luyện kỹ càng nhằm trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để thực hiện công tác tuần tra rừng tại các vườn quốc gia. Đơn vị này cũng sẽ làm việc cùng với nhóm tiếp cận cộng đồng, để đảm bảo rằng các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục về săn bắt động vật hoang dã trái phép hướng đến các nhóm đối tượng phù hợp.

Chương trình SMART

SMART (Spatial Monitoring and Reporting Tool) là một phần mềm giám sát không gian giúp thu thập và báo cáo các vi phạm trong săn bắt động vật hoang dã, và khai thác trái phép. Do đó, phần mềm này giúp các khu bảo tồn trên thế giới được quản lý chặt chẽ hơn, với quyết định quản lý được đưa ra một cách nhanh chóng và chính xác dựa trên các bằng chứng thu thập được trên hiện trường. Hiện tại, SMART đã được ứng dụng tại hơn 800 khu bảo tồn trên thế giới và có trên 14 nước đang sử dụng phần mềm SMART vào chương trình quốc gia về quản lý khu bảo tồn.

Save Vietnam’s Wildlife là một trong những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam đưa chương trình SMART đầu tiên hoạt động tại VQG Pù Mát, và hiện nay chúng tôi đang mở rộng tại bốn vườn quốc gia/khu bảo tồn khác là VQG Cát Tiên, VQG Cúc Phương, VQG U Minh Thượng, và VQG U Minh Hạ. Trong thời gian 3 năm áp dụng tại VQG Pù Mát, chương trình đã gặt hái được nhiều thành công, với sự thay đổi lớn trong số lượng bẫy, số lượng người vào rừng săn bắt, và tỷ lệ bắt gặp các cá thể động vật hoang dã.