Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2024 – Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) phối hợp với VQG Cúc Phương, VQG Cát Tiên và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả thành công 11 cá thể Tê tê Java (tên khoa học: Manis Javanica) và 3 cá thể rái cá (tên khoa học: Aonyx Cinereus) về tự nhiên, cùng với 4 khỉ đuôi lợn, 2 khỉ đuôi dài và 1 diều lửa.

1. Chuẩn bị dưa tê tê dến khu vực tái thả

(Chuẩn bị đưa tê tê đến khu vực tái thả)

SVW đã phối hợp cùng cơ quan chức năng và Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội để cứu hộ những cá thể động vật hoang dã này từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt trái phép và người dân tự nguyện giao nộp. Sau khi được đưa về Trung tâm cứu hộ, các cá thể đều trải qua quá trình kiểm dịch trong 30 ngày, được theo dõi sức khỏe liên tục và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh. Tất cả các cá thể đều được tái thích nghi với môi trường tự nhiên trong khu vực bán hoang dã trước khi được tái thả. Khu vực bán hoang dã cung cấp một môi trường tương tự với môi trường sống tự nhiên của các loài động vật này, đó chúng có thể rèn luyện những “kỹ năng” cần thiết để sinh tồn khi trở về thế giới hoang dã. 

5. Cá thể tê tê dược thả về tự nhiên

(Cá thể tê tê được thả về tự nhiên)

Trước mỗi đợt tái thả, nhóm nghiên cứu của SVW sẽ thực hiện khảo sát để lựa chọn địa điểm tái thả phù hợp với từng loài. Và đặc biệt, trong lần tái thả này, nhóm đã thiết lập một khu chuồng tái thả tạm thời cho 3 cá thể rái cá. Do rái cá là loài có tập tính bảo vệ lãnh thổ, vì vậy, việc thiết lập chuồng thả tạm thời sẽ hạn chế sự xung đột giữa các cá thể được thả và các đàn rái cá tự nhiên trong khu vực. Sau khi rái cá đã quen với môi trường mới, chúng tôi đã tiến hành thả chúng về tự nhiên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm tại các điểm tiếp cận với khu vực chuồng tái thả để gửi cảnh báo tới các kiểm lâm viên địa phương nếu có người xâm nhập (trong vòng 500m) để lực lượng kiểm lâm có thể ngăn chặn kịp thời.

6. Khu chuồng tái thả tạm thời cho rái cá

(Khu vực chuồng tái thả tạm thời cho rái cá)

7. Các cá thể rái cá làm quen với môi trường mới

(Các cá thể rái cá đang làm quen với môi trường mới)

9. Các cá thể rái cá tại khu chuồng tái thả tạm thời

Tê tê Java và Rái cá vuốt bé đều được xếp vào nhóm IB các loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP). Mọi vi phạm liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo số lượng cá thể và giá trị (bằng tiền) của sản phẩm hoặc trường hợp tái phạm. Tuy vậy, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.

Kể từ khi thành lập, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đã cứu hộ thành công 4.280 cá thể động vật hoang dã, trở thành đơn vị cứu hộ tê tê nhiều nhất Việt Nam với 1.709 cá thể tê tê được cứu hộ. Hơn 70% động vật được phục hồi và tái thả về tự nhiên thành công, góp phần vào nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học tại Việt Nam.


Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

(Ms.) Đồng Cẩm Nhung

Cán bộ Truyền thông

E: [email protected]M: 0969 755 358


Giới thiệu về Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW)

Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2014 với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập, SVW đã lên kế hoạch và thực hiện nhiều chương trình và dự án bảo tồn dài hạn. Các hoạt động bảo tồn trực tiếp và tại chỗ SVW tiến hành bao gồm Cứu hộ, phục hồi và tái thả động vật hoang dã, Bảo vệ sinh cảnh, Nghiên cứu bảo tồn loài, Sinh sản bảo tồn, Giáo dục nâng cao nhận thức và Vận động chính sách. Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập website https://svw.vn/vi/