Gần đây, camera trap của chúng tôi có ghi nhận mẹ con Cầy vằn tại một khu bảo tồn ở Việt Nam vào tháng Tám, 2021. Mỗi lần bắt gặp con mẹ và con non của một loài động vật hoang dã đang nguy cấp nào đó là chúng tôi thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì biết nhiều cá thể của loài đó vẫn đang có thể tiếp tục sinh sản và phát triển, dù những ghi nhận này hiện tại không còn nhiều.
Cầy vằn là một loài đặc hữu của Đông Dương, được xếp loại Nguy cấp theo Liên hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), và được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam (Nghị định 64/2019/ND-CP, 06/2019/ND-CP). Loài này phân bố chính ở Việt Nam, Lào và mũi phía nam Trung Quốc.
Chương trình sinh sản bảo tồn loài ngoại vi (ex-situ conservation), nhân nuôi sinh sản và phát triển quần thể ngoại vi, là rất cần thiết trong kế hoạch và chiến lược bảo tồn nhiều loài nguy cấp ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động ưu tiên được đề xuất trong Chiến lược Bảo tồn Cầy vằn 2019 – 2029: https://www.cpsg.org/content/conservation-strategy-owstons-civet-chrotogale-owstoni-2019-2029-english
Dưới đây là một số lý do vì sao chương trình sinh sản bảo tồn là cần thiết:
– Số lượng cá thể ngoài tự nhiên của loài đó không còn nhiều, còn rất ít, hoặc tiếp tục suy giảm trên toàn phạm vi phân bố. Cơ hội gặp gỡ của cá thể trưởng thành mùa sinh sản là rất thấp khiến quần thể không thể tăng trưởng;
– Loài vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực liên quan đến săn bắt và suy giảm diện tích, chất lượng và phân mảnh môi trường sống. Tình trạng này sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều;
– Khi quần thể loài ngoài tự nhiên giảm quá mức, thì quần thể ngoại vi sẽ được tái thả để bổ sung cá thể và nguồn gen đa dạng cho quần thể
SVW hiện tại đang một trong số ít những tổ chức tại Việt Nam thực hiện chương trình sinh sản bảo tồn loài. SVW tập trung vào hai loài chính là Cầy vằn và Tê tê Vàng.
Cân nhắc kinh nghiệm và khả năng thực hiện chương trình, SVW mong muốn xây dựng một trung tâm sinh sản bảo tồn riêng cho 2 loài này nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo bệnh giữa các loài với nhau, và tăng khả năng sinh sản. Hiện nay, đề xuất thực hiện chương trình và những tài liệu cần thiết đang được chúng tôi gấp rút xây dựng để chương trình có thể được triển khai sớm.
Có nhiều tổ chức bảo tồn trên thế giới đã đã thực hiện chương trình sinh sản bảo tồn cho các loài nguy cấp, và đưa ra một số hạn chế chính của chương trình là:
– Chi phí của chương trình thường rất lớn
– Nhiều cá thể nuôi nhốt lâu khi tái thả về môi trường sống sẽ khó sinh tồn
– Môi trường tiếp tục bị tác động, và các cá thể tiếp tục bị săn bắt
Một số tổ chức đã thành công trong việc nhân nuôi tái thả này, bao gồm chương trình bảo tồn loài Chồn sương chân đen (Black-footed ferrets) tại Hoa Kỳ.
Chúng tôi đang cố gắng làm những gì tốt nhất, học hỏi từ những thành công và thất bại để có thể phục hồi quần thể hai loài nguy cấp trên.