Đồng Nai, chiều ngày 23 tháng 8 năm 2024, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – viết tắt SVW) và VQG Cát Tiên long trọng tổ chức Hội thảo khởi động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” và Tham luận về tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Sự kiện được đã diễn ra với sự chủ trì của ông Lê Văn Gọi – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Phạm Xuân Thịnh – Giám đốc VQG Cát Tiên, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam; cùng sự có mặt của ông Trần Văn Thành – Phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm vùng III; ông Thái Hoàng Sơn – Phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh, Trung tá Bùi Trường Sơn – Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế công an tình, Ông Hoàng Minh Liêm – phó chánh Thanh tra ban dân tộc; bà Đặng Thị Thuỳ Dương – Phó trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường cùng gần 100 đại biểu, khách mời đại diện cho các cơ quan ban ngành, UBND các huyện, xã/thị trấn, Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Tổ chức Free the Bears, và các đơn vị báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” nằm trong Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND tỉnh Đồng Nai và là một chủ trương quan trọng, mang tính chiến lược của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW ngày 19/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tăng cường Phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát biểu khai mạc và tuyên bố khởi động chuỗi hoạt động, ông Lê Văn Gọi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ rừng tại tỉnh Đồng Nai được thực hiện tốt, động vật rừng và nơi cư trú động vật rừng được bảo vệ, tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển tiêu thụ ĐVHD trái phép được ngăn chặn triệt để. Công tác bảo tồn ĐVHD được quan tâm nhất là bảo tồn được đàn Voi Châu á, Voọc chà vá chân đen núi Chứa Chan, giám sát bằng bẫy ảnh đánh giá bảo tồn loài nguy cấp quý hiếm, các dự án cải tạo sinh cảnh cung cấp nước uống, muối khoáng, xây dựng các chương trình tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng bảo tồn đa dạng sinh học, áp phích, tờ rơi, câu lạc bộ xanh, tổ chức cuộc thi bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, vv. Bên cạnh bức tranh khả quan công tác bảo vệ rừng: Tình trạng tác động vào rừng nhỏ lẻ săn bẫy bắt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm ĐVHD vẫn còn; ý thức của một số người dân về bảo vệ các loài ĐVHD còn hạn chế tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; chống người thi hành công vụ gây thương tích cho các cán bộ kiểm lâm còn xảy ra; việc triển khai các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chưa đa dạng. Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua triển khai kế hoạch mong muốn nhận được sự đồng tình ủng hộ và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã nhằm chung tay góp sức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
(ông Lê Văn Gọi – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai)
“Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm, hơn 10 năm nay chúng ta vẫn chưa ghi nhận được thêm hình ảnh ngoài tự nhiên nào của Sao la – một loài có móng guốc đặc hữu tại Việt Nam được ví là kỳ lân châu Á”, Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ. Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra và đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của các loài ĐVHD trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhu cầu cầu tiêu thụ của con người, khi con người cho rằng một số động vật quý hiếm có thể làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nuôi làm cảnh hay đồ trang trí từ đó dẫn tới các hoạt động săn bắt động vật hoang dã để buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt và tiêu thụ. Chuỗi hoạt động nhấn mạnh vai trò và sự lãnh đạo của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong công tác bảo vệ rừng và ĐVHD và sẽ được triển khai đồng bộ với đa dạng các hoạt động: tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành, giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD, phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
(Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ tại chương trình)
Các lãnh đạo và đại diện các đơn vị cùng nhau thực hiện nghi thức khởi động chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”, đánh dấu việc khởi động chuỗi sự kiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay quyết tâm thực hiện các nội dung trong Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/7/2024 của chính quyền và người dân tỉnh Đồng Nai.
Phiên tham luận về tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép do đồng chí Lê Văn Gọi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì.
Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật của tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc của hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng ĐVHD trên địa bàn tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, ông Cổ Tấn Huy cho biết: “Bên cạnh những thành công đã đạt được trong công tác chống săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng ĐVHD trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước khi các vụ vi phạm nhỏ lẻ vẫn xảy ra, thủ đoạn tinh vi hơn, sử dụng phương tiện mạng xã hội để buôn bán. Những khó khăn trong việc xử lý tang vật là động vật rừng còn sống và tiếp nhận động vật hoang dã giao nộp. Thông qua Hội thảo này, các đơn vị tham gia sẽ cùng nhau bàn luận và đưa ra kế hoạch hành động cụ thể bám sát trong việc phối hợp liên ngành để công tác bảo vệ động vật hoang dã đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác cùng các đơn vị bảo tồn độc lập thực hiện các hoạt động cộng đồng bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên chia sẻ: Nỗ lực tuần tra bảo vệ rừng tại VQG Cát Tiên đã ghi nhận kết quả tích cực trong việc giúp quản lý rừng bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Một lần nữa được khẳng định khi vào ngày 21/6/2024, VQG Cát Tiên đón nhận Danh hiệu Danh lục Xanh, là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 72 trên thế giới và là VQG đầu tiên của Việt Nam được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận. Bên cạnh đó thì vẫn tồn tại nhiều khó khăn khi tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra, các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi, liều lĩnh và manh động…Cần hơn hết có sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, sự quan tâm trong công tác phối hợp liên ngành hỗ trợ nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự đa dạng sinh học
Theo ông Võ An Giang – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai: Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và động vật hoang dã là then chốt trong công tác BVR, bảo vệ ĐVHD. Khu Bảo tồn phát triển mạng lưới tuyên truyền viên tại cộng đồng, phối hợp với địa phương thành lập 11 Câu lạc bộ Xanh tại các xã vùng đệm, với mục tiêu kêu gọi cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền sâu rộng cho công tác BVR, bảo vệ ĐVHD và bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã có những đóng góp và chia sẻ tích cực với các nội dung tham luận. Theo bà Đặng Thị Thuỳ Dương – Phó trưởng phòng Môi trường, Sở TN&MT tỉnh: Công tác bảo tồn ĐVHD nên đặt trọng tâm vào giải pháp mềm, truyền thông, nâng cao nhận thức. Nên thành lập nhóm nòng cốt, đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt trong việc tuyên truyền kết hợp với cộng đồng hướng đến mục tiêu tạo nên mắt xích quan trọng trong việc tuyên truyền, cung cấp hiểu biết, duy trì việc không sử dụng ĐVHD. Ông Nguyễn Văn Dũng – Quản lý khu bảo tồn gấu Cát Tiên thuộc tổ chức Free the Bears cho rằng việc cần làm hiện nay là thay đổi nhận thức của người dân vì nhiều người vẫn còn coi ĐVHD là thần dược, ví dụ như mật gấu. Bà Phạm Thị Hương – PCT xã Thanh Sơn là xã vùng sâu vùng xa của huyện Định Quán ghi nhận những thay đổi tích cực trong nhận thức và suy nghĩ của người dân thông qua những nổ lực tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và truyền thông về bảo vệ rừng, PCCC rừng; giảm thiểu xung đột giữa người và ĐVHD. Với tư cách một nhà nghiên cứu bảo tồn, ông Phùng Mỹ Trung – đại diện Cục Hải Quan tỉnh chia sẻ: nâng cao giáo dục bảo tồn với đối tượng chính là trẻ em sẽ có tác động lâu dài và mạnh mẽ hơn. Lớp trẻ là tương lai của đất nước và chính trẻ em sẽ tác động sâu sắc đến người lớn.
Sau phần tham luận và thảo luận sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu được quán triệt và nhất trí với nội dung, kế hoạch thực hiện chuỗi chương trình và hưởng ứng hành động từ chối các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Văn Gọi thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với toàn thể hội thảo các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm:
- Các ban, ngành, địa phương quán triệt tinh thần của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/7/2024 triển khai thực hiện chuỗi Nói không với ĐVHD tạo phong trào sâu rộng mạnh mẽ đến công chức, viên chức, người dân thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ ĐVHD không sử dụng ĐVHD và sản phẩm của chúng. Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
- Các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát ngăn chặn người ra vào rừng trái phép đặt bẫy, săn bắt ĐVHD. Có kế hoạch giám sát, bảo tồn nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.
- Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, chủ rừng trong công tác chia sẻ thông tin, phối hợp tuần tra kiểm tra ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ chống người thi hành công vụ.
- Trung tâm bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch chú trọng triển khai công tác truyền thông, tổ chức các sự kiện thu hút người dân tham gia nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ ĐVHD.
……………………………………………………………………
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Bà Lâm Huỳnh Uyên – Cán bộ Chuỗi hoạt động
Điện thoại di động: 0909.879.673
Email: [email protected]
……………………………………………………………………
Thông tin thêm về chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”:
Thời gian thực hiện: Tháng 08 năm 2024 đến tháng 03 năm 2025.
Địa điểm: Huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Đối tượng hướng đến: Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, và người dân trên địa bàn thực hiện chuỗi hoạt động.
Nội dung thực hiện gồm 09 hoạt động chính. cụ thể như sau:
(1) Tổ chức Sự kiện khởi động chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” và Tham luận về tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép
(2) Lắp đặt pano tuyên truyền về các hành vi cấm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các điểm nóng về săn bắt ĐVHD và tác động tới tài nguyên rừng.
(3) Tổ chức các hội thảo cấp huyện và xã về tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp liên ngành trong trong công tác săn bắt và buôn bán ĐVHD và triển khai kế hoạch hành động do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành.
(4) Lắp đặt áp phích tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD trái phép tại các trụ sở cơ quan hành chính, khu vực công cộng, địa điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn các huyện, tập trung vào khu vực các xã vùng đệm.
(5) Lắp đặt pano tuyên truyền với nội dung “Không sử dụng, tiêu thụ, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã” tại các vị trí trung tâm, trục đường chính, khu vực tập trung đông người trong địa bàn các huyện.
(6) Truyền thông qua các sự kiện sinh hoạt cộng đồng, bộ phim tuyên truyền ngắn, các bài phát thanh, các kênh truyền hình, các cơ quan báo chí, loa đài địa phương.
(7) Phát triển sinh kế bền vững cho những đối tượng ảnh hưởng bởi nạn săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép
(8) Khảo sát đánh giá hiệu quả thực hiện chuỗi hoạt động
……………………………………………………………………
Giới thiệu về Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam – SVW
Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2014 với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập, SVW đã lên kế hoạch và thực hiện nhiều chương trình và dự án bảo tồn dài hạn. Các hoạt động bảo tồn trực tiếp và tại chỗ SVW tiến hành bao gồm Cứu hộ, phục hồi và tái thả động vật hoang dã, Bảo vệ sinh cảnh, Nghiên cứu bảo tồn loài, Sinh sản bảo tồn, Giáo dục nâng cao nhận thức và Vận động chính sách. Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập website https://svw.vn/vi/