Ngày 02/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đăng tải dự thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (“Nghị Định 06”) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (“Nghị Định 84”) (được gọi chung là “Nghị Định 06-84”). Nghị Định 06-84 là một nghị định mang tính bản lề, có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Lần sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khung pháp lý hoàn thiện hơn, góp phần mạnh mẽ hơn vào công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Trong loạt bài viết này, chúng tôi sẽ bình luận về những thay đổi đáng chú ý của dự thảo, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp dự thảo hoàn thiện hơn.
Trong bài viết đầu tiên, chúng tôi sẽ đề cập đến một số định nghĩa cơ bản trong Dự Thảo.
1. Các định nghĩa cơ bản
1.1. Định nghĩa “động vật rừng thông thường”
Nghị Định 06-84 và tiếp tục là Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị Định 06 và Nghị Định 84 (“Dự Thảo”) chưa đưa một định nghĩa thống nhất về động vật rừng thông thường là một vấn đề đã gây ra nhiều vướng mắc trong thực tế quản lý. Khoản 8 Điều 3 Nghị Định 06-84 quy định động vật rừng thông thường là “các loài động vật thuộc các lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư” mà không phải (i) loài nguy cấp, quý, hiếm, (ii) loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, (iii) loài thuộc Phụ lục CITES, và (iv) loài vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Đồng thời, nếu căn cứ vào Khoản 28 Điều này lại quy định động vật rừng thông thường là loài do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Điều này có thể được hiểu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa ra quy định khác về tiêu chí xác định động vật rừng thông thường và / hoặc ban hành một danh sách những loài được coi là động vật rừng thông thường. Dù là trường hợp nào thì quy định như vậy cũng mâu thuẫn với Khoản 8, vốn đã đưa ra một định nghĩa mang tính mô tả khái quát.
Ngoài ra, việc định nghĩa “động vật hoang dã” tại Nghị Định 06-84 cũng không đảm bảo sự phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định vốn chỉ bao hàm ba đối tượng quản lý là loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loài thuộc Phụ lục CITES; và loài động vật rừng thông thường.
Do vậy, chúng tôi khuyến nghị: bãi bỏ Khoản 28 Nghị Định 06-84 để tránh gây ra mâu thuẫn trong quy định và thống nhất cách hiểu khái niệm động vật rừng thông thường.
Xin lưu ý rằng những loài lưỡng cư được đề cập tại Khoản 8 Điều 3 trên vẫn có thể được xếp vào nhóm các loài thủy sản. Đơn cử, trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP) đã có 06 loài thuộc Bộ Rùa (Testudines) đồng thời xuất hiện (rùa đầu to; rùa hộp ba vạch/rùa vàng; rùa hộp trán vàng miền Bắc; rùa Trung Bộ; giải khổng lồ; và giải Sin-hoe). Do đó trong tương lai, một nỗ lực liên ngành lâm nghiệp và thủy sản sẽ rất cần thiết để làm rõ được của khái niệm này.
1.2. Định nghĩa “vườn động vật”, “vườn thực vật” và “cơ sở nuôi, cơ sở trồng”
Các điểm h, i, l Khoản 1 Điều 1 Dự Thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 12, Khoản 13 và Khoản 17 Điều 3 Nghị Định 06-84 lần lượt đưa ra định nghĩa “vườn động vật”, “vườn thực vật” và “cơ sở nuôi, cơ sở trồng”. Về mặt kỹ thuật, những định nghĩa này còn điểm chưa phù hợp.
Trong toàn bộ phần còn lại của Nghị Định 06-84 và Dự Thảo hầu như đã xác định sẽ chỉ có các loại cơ sở nuôi, trồng gồm: cơ sở cứu hộ, trưng bày, sưu tập, nghiên cứu khoa học, nhân nuôi bảo tồn và cơ sở nuôi, trồng vì mục đích thương mại. Mặc dù rải rác trong hai văn bản kể trên vẫn còn nhiều danh từ để chỉ các cơ sở thực hiện hoạt động nuôi, trồng khác (sẽ là một vấn đề mà chúng tôi phân tích trong một bài viết khác), nhưng về bản chất có thể rút gọn danh sách chỉ gồm những loại như đã liệt kê. Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng bản thân Khoản 17 khi định nghĩa “cơ sở nuôi, trồng” cũng không đề cập đến hai khái niệm “vườn động vật”, “vườn thực vật”.
Vì lý do trên, việc định nghĩa “vườn động vật”, “vườn thực vật” tại các Khoản 12 và Khoản 13 tỏ ra không thực sự cần thiết.
Do vậy, chúng tôi khuyến nghị: bãi bỏ hai Khoản 12 và Khoản 13 Điều 3.
1.3. Định nghĩa “sử dụng công cụ, phương tiện bị cấm”.
“Sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm” là một tình tiết định khung của Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244) và Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245) trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“BLHS 2015”).
Khái niệm “sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm” (không có “biện pháp”) được quy định trước hết tại Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của TANDTC với việc áp dụng phương pháp liệt kê. Khi đưa định nghĩa này vào Dự Thảo, các nhà quản lý chuyển sang định nghĩa bằng phương pháp mô tả nhưng không có tính tổng quát: “Sử dụng công cụ, phương tiện bị cấm là việc sử dụng các loại công cụ, phương tiện do cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để khai thác mẫu vật như các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc […] bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn”. Nội hàm của khái niệm vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt chưa có tiêu chí xác định một công cụ, phương tiện, biện pháp săn bắt nên bị cấm sử dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lần sớm nhất một khái niệm gần như tương tự xuất hiện trong pháp luật là tại Nghị định số 39-CP ngày 05/4/1963 của Hội đồng chính phủ. Cụ thể, tại Điều 6 của Nghị định quy định rằng, để đạt đảm bảo (i) an toàn cho người và gia súc, (ii) tránh làm bị thương hoặc giết hại chim, thú rừng hàng loạt, và (iii) bảo vệ rừng cùng đất rừng, việc sử dụng các phương pháp và phương tiện được liệt kê trong điều khoản này sẽ bị cấm. Ba mục tiêu được tuyên bố trong Điều 6 này cũng có thể được hiểu là ba tiêu chí lựa chọn: những công cụ, phương tiện mà Hội đồng chính phủ đánh giá là đi ngược lại với một trong ba mục tiêu đó sẽ bị cấm sử dụng. Chúng tôi đánh giá cách tiếp cận này là rất phù hợp.
Ngành thủy sản cũng đã sử dụng phương pháp vừa mô tả, vừa liệt kê như vậy. Tại Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT, tiêu chí xác định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được quy định tại Khoản 1 Điều 13, và danh sách cụ thể các nghề, ngư cự cấm khai thác thủy sản được đưa ra tại Phụ lục II.
Do vậy, chúng tôi khuyến nghị: sửa đổi, bổ sung Khoản 32 Điều 3 như sau:
“32. Sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp săn bắt bị cấm là việc sử dụng chó săn, thuốc nổ, thuốc độc, điện, lửa, khói mù, đào hầm, hố bẫy hoặc công cụ, phương tiện, biện pháp khác đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- a) Có thể làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng;
- b) Có thể gây đau đớn kéo dài cho động vật;
- c) Có thể làm chết cả những cá thể động vật, thực vật rừng không phải đối tượng khai thác theo dự kiến;
- d) Các loại bẫy có thể gây nguy hiểm cho con người.”