SVW CHÚC MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP
KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN – VĂN HÓA ĐỒNG NAI
Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên
Ngày 28/11/2024 vừa qua, Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa (KBT TN-VH) Đồng Nai đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là một cột mốc ấn tượng, đánh dấu hành trình bảo tồn với nhiều dấu ấn khó quên và thành tích tự hào của KBT. Là một đối tác đã và đang sát cánh cùng KBT trong công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) và đa dạng sinh học, Save Vietnam’s Wildlife (SVW) xin gửi lời chúc mừng chân thành đến KBT vì những đóng góp của KBT dành cho rừng và hệ sinh thái tại Việt Nam.
Sau hơn 1 năm đồng hành cùng nhau với cương vị là đối tác chiến lược, SVW vô cùng tự hào về những thành tích đã đạt được thông qua việc hợp tác với KBT trong công tác bảo vệ rừng và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD. Chúng tôi đã đồng triển khai nhiều chiến dịch và hoạt động hướng đến tạo ra một môi trường sống an toàn cho ĐVHD, cũng như đặt con người làm trung tâm của hoạt động bảo tồn, để con người trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn, giúp họ hiểu rõ về vai trò và giá trị của rừng đối với cuộc sống của chính họ và cộng đồng.
ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN - VĂN HÓA ĐỒNG NAI
Nguồn ảnh: Báo Thanh niên
KBT TN-VH Đồng Nai là một trong những khu bảo tồn có mức độ đa dạng sinh học cao tại vùng Đông Nam Bộ nước ta. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có 1.552 loài thực vật bậc cao, 166 họ, 95 bộ, 10 lớp, thuộc 06 ngành. Với 71 loài quý hiếm, trong đó có 43 loài nằm trong sách đỏ IUCN (2015), 36 loài Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 11 loài nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP. (Nguồn: Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học). KBT TN-VH Đồng Nai là một trong những đại diện tiêu biểu của hệ sinh thái Rừng thường xanh núi thấp Đông Nam Á, và là một khu vực trọng điểm mà SVW chú trọng phối hợp triển khai các hoạt động để bảo vệ khu vực này.
TRIỂN KHAI MẠNH MẼ CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG NHẰM BẢO VỆ HỆ SINH THÁI TẠI KBT
Vào năm 2023, SVW và KBT TN-VH Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, và hoạt động đầu tiên chúng tôi phối hợp triển khai cùng nhau là tuần tra bảo vệ rừng. SVW đã hỗ trợ nhân lực, bao gồm 03 cán bộ “Chuyên trách bảo vệ rừng” (Anti-poaching) tham gia vào công tác tuần tra, nâng cáo nhận thức cộng đồng, và nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ rừng tại KBT. Trong năm qua, các cán bộ của SVW và lực lượng kiểm lâm của KBT đã thực hiện 275 ngày tuần tra (tổng cộng 2.137 km đi bộ), tháo gỡ 1.738 bẫy, 14 lưới bát quái, và thu giữ 8 khẩu súng. Nhóm cũng đã lập danh sách 13 thợ săn và 44 nhà hàng có liên quan đến các hoạt động vi phạm.
Tháng 9/2024, SVW tiếp tục tuyển dụng thêm 05 cán bộ “Lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng”, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao năng lực và đưa các cán bộ này tham gia vào hoạt động tuần tra, tuyên truyền. Mô hình này nhằm hỗ trợ người dân tăng thu nhập và tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực Kiểm lâm tại KBT nói riêng trên toàn quốc nói chung.
(Hình ảnh các cán bộ Anti-poaching SVW và kiểm lâm tại KBT TN-VH Đồng Nai trên đường tuần tra bảo vệ rừng – ©SVW)
Một trong những điểm sáng trong quá trình hợp tác của SVW và KBT, đó là việc ứng dụng công nghệ SMART và PoacherCam vào công tác tuần tra bảo vệ rừng. Đến nay, 100% cán bộ kiểm lâm đã sử dụng thành thạo công cụ này. Các khóa đào tạo nâng cao cũng đã được triển khai để giúp công tác quản lý và phân tích dữ liệu hiệu quả hơn. Thêm vào đó, SVW đã cung cấp 40 điện thoại thông minh, hỗ trợ cài đặt ứng dụng SMART mobile, thiết lập kết nối đồng bộ SMART connect, và xây dựng mô hình dữ liệu báo cáo tuần tra. SVW cũng hỗ trợ KBT thử nghiệm máy ảnh Poachercam tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các hoạt động xâm phạm trái phép vào rừng. Các máy ảnh này tự động lọc hình ảnh, phát hiện các đối tượng vi phạm tại các điểm nóng, sau đó gửi hình ảnh trực tiếp đến cán bộ kiểm lâm để tiến hành bắt giữ hoặc làm bằng chứng xử lý vi phạm.
(Cán bộ Anti-poaching SVW tập huấn cho lực lượng kiểm lâm tại KBT về ứng dụng SMART – ©SVW)
NỖ LỰC NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐVHD
Không chỉ dừng lại ở công tác tuần tra bảo vệ rừng, SVW và KBT TN-VH Đồng Nai cũng phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vừa qua, SVW phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai triển khai chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã”, trong đó SVW phối hợp với KBT triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng. Đến nay, SVW đã lắp đặt 13 bảng tuyên truyền lớn về pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp và 50 áp phích tuyên truyền không sử dụng ĐVHD trái phép quanh KBT; tổ chức các hội thảo xã và sự kiện sinh hoạt cộng đồng với hơn 500 người tham gia nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của rừng, ĐVHD và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, SVW đang phối hợp với Đài Truyền hình Đồng Nai để trình chiếu các phim ngắn tuyên truyền về bảo vệ rừng và ĐVHD nhằm tuyên truyền và vận động cộng đồng sinh sống quanh KBT nói riêng và trên toàn tỉnh Đồng Nai nói chung.
KẾ HOẠCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Sự hợp tác giữa KBT TN-VH Đồng Nai và SVW là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của tỉnh Đồng Nai. Hợp tác này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng mà còn góp phần vào việc bảo tồn ĐVHD, phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái tại trong khu vực. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp mở rộng thêm hoạt động lắp đặt bẫy ảnh nhằm xác định các loài động vật quan trọng và xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi sự thay đổi của quần thể động vật hoang dã. Đây là nghiên cứu quy mô lớn nhất về động vật hoang dã tại KBT, được kỳ vọng cung cấp cơ sở khoa học quan trọng, hỗ trợ cho công tác bảo tồn lâu dài. Đồng thời, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nhằm đem lại hiệu quả bảo tồn 1 cách bền vững.