BÌNH LUẬN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 06/2019/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 84/2021/NĐ-CP
Nguyễn Ngọc Lan
Trần Tuấn Kiệt
Trong bài viết thứ ba này, chúng tôi sẽ thảo luận về chính sách đối với hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Đây là một vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm nhưng đáng tiếc chưa được Dự Thảo chú ý đến.
Sự vắng bóng quy định cụ thể về hành vi tiêu thụ động vật hoang dã đã khiến hệ thống pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam gặp phải những thách thức lớn: Việc không quản lý tiêu thụ khiến chính các nỗ lực kiểm soát thương mại hóa động vật hoang dã cũng gặp khó khăn. Bởi, khi người tiêu dùng không bị liên đới xử lý, không phải chịu trách nhiệm thì nhu cầu đối với động vật hoang dã vẫn có thể tăng cao mà không được kiểm soát. Và khi nhu cầu tăng, lợi nhuận hứa hẹn lớn thì những thợ săn, nhà buôn sẽ vẫn còn động lực lớn để tiếp tục vi phạm pháp luật.
Cũng vì lý do trên, người cung cấp trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã và người tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp đó đều chia sẻ trách nhiệm đối với việc làm suy giảm quần thể loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Do đó nếu chỉ có các chế tài đối với người cung cấp mà không có chế tài đối với người tiêu thụ thì dường như không phù hợp nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Thực tế cho thấy các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm đến vấn đề tiêu thụ động vật hoang dã khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Hành vi tiêu thụ động vật hoang dã được đề cập một cách trực tiếp trong Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó cần đặc biệt chú ý chỉ thị “Các bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn pháp pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật”.
Tiếp nối tinh thần quyết liệt của Chỉ thị, đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo những biện pháp kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã trong bối cảnh chưa có quy định pháp lý cụ thể như: Quyết định số 3302/QĐ-BNN-TCLN ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ thị số 1242/TCLN-CTVN của Tổng cục Lâm nghiệp; Công văn số 3125/UBND-NNTN ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh Kon Tum; Công văn số 5740/UBND-KT ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Bình Định; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27/8/2020 của UBND tỉnh Hải Dương; Kế hoạch số 504/KH-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/9/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên; Công văn số 109/UBND-KT ngày 11/01/2023 của UBND tỉnh Bình Phước; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 06/9/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng; v.v.
Như vậy, đã có một sự thống nhất cao về nhu cầu kiểm soát hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã. Đặc biệt, những quy định cấm Đảng viên, cán bộ, công chức sử dụng động vật hoang dã nhằm làm gương trong việc chống nạn suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam đã cho thấy vấn đề đang được xem xét một cách nghiêm túc.
Trong Dự Thảo và Nghị Định 06-84 hiện chưa có quy định kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã. Nói cách khác, bổ sung vấn đề này đồng nghĩa với việc bổ sung một chế định hoàn toàn mới. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một bổ sung rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã tại Việt Nam.
Trong phạm vi Nghị định, có thể siết quản lý tiêu thụ loài nguy cấp, quý, hiếm và loài thuộc Phụ lục CITES nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Không thể yêu cầu người tiêu dùng phải tự tìm hiểu và biết được sản phẩm từ động vật hoang dã mà mình mua hoặc nhận cho tặng có phải sản phẩm bất hợp pháp hay không vì điều đó là không khả thi. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán, người cho tặng mình cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của sản phẩm; nếu chủ động mua, nhận sản phẩm từ các nguồn không rõ nguồn gốc, không yêu cầu chứng minh nguồn gốc thì là sự thiếu trách nhiệm rõ ràng và có cơ sở để xử lý.
Do vậy, chúng tôi khuyến nghị: Bổ sung chế định kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã như sau:
1. Bổ sung một Khoản tại Điều 3 Nghị Định 06-84, đưa ra định nghĩa về hành vi tiêu thụ động vật hoang dã: “Tiêu thụ động vật, thực vật là việc sử dụng làm thực phẩm, thuốc và vật dụng khác đối với các mẫu vật của các loài động vật, thực vật, sản phẩm có chứa thành phần là mẫu vật của loài động vật, thực vật hoặc sản phẩm được chế biến từ mẫu vật của loài động vật, thực vật”.
2. Đổi tên Mục 4 Chương III Nghị Định 06-84 thành “CHẾ BIẾN, KINH DOANH, VẬN CHUYỂN, CẤT GIỮ, TIÊU THỤ” và bổ sung quy định về kiểm soát tiêu thụ như sau: “4. Người mua, nhận tặng cho các loại thực phẩm, dược phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Phụ lục CITES phải mua, nhận tặng cho mẫu vật được bán, tặng cho kèm theo giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp”.
(Còn tiếp)