Tập Huấn Nâng Cao Năng Lực Thực Thi Pháp Luật Về Bảo Tồn Tê Tê Tại Việt Nam
MỤC TIÊU
- Nâng cao hiểu biết của cán bộ địa phương về công tác bảo tồn tê tê; tình hình buôn bán và tiêu thụ tê tê trái phép, cũng như vai trò của công tác thực thi pháp luật (liên quan tới tội phạm về buôn bán tê tê trái phép) trong nước, khu vực, và trên thế giới.
- Nâng cao năng lực về khả năng định dạng loại và chăm sóc tê tê cho cán bộ thực thi pháp luật tham gia vào công tác tịch thu.
- Khuyến khích biện pháp xử lý có trách nhiệm với tê tê sau tịch thu.
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác và thúc đẩy sự phối kết hợp giữa các đơn vị thực thi pháp luật và các tổ chức Phi lợi nhuận/Phi chính phủ.
VỀ CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN
Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 11 năm 2016, SVW đã tổ chức hai khóa tập huấn, mỗi khóa kéo dài 2 ngày, về “Bảo tồn Tê tê: Thực trạng, thách thức và vai trò của công tác thực thi pháp luật” tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Khóa tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của 54 cán bộ thực thi pháp luật, gồm: 25 kiểm lâm viên, 21 cảnh sát môi trường, 8 cán bộ hải quan và lãnh đạo đến từ 13 tỉnh thành miền Bắc và miền Trung Việt Nam – những nơi tịch thu số lượng lớn tê tê từ nạn buôn bán trái phép Tê tê.
Trong suốt khóa đào tạo, học viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật nhằm nâng cao hiểu biết về Bảo tồn Tê tê, cũng như tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép Tê tê và công tác thực thi pháp luật ở trong nước, khu vực, và trên thế giới. Bên cạnh đó, học viên còn được học và thực hành quy trình định dạng loài, xử lý và chăm sóc Tê tê sau tịch thu. Đồng thời, khóa tập huấn khuyến khích các đơn vị thực hiện biện pháp xử lý có trách nhiệm với tê tê sau khi bắt giữ. Không những vậy, chương trình cũng nêu rõ tầm quan trọng của quy trình chăm sóc động vật tại hiện trường, cũng như quy trình cứu hộ tại các trung tâm cứu hộ. Điều này giúp học viên hiểu rõ toàn bộ quá trình xử lý và sự hợp tác cần thiết để đảm bảo phương án xử lý tốt nhất cho Tê tê sau tịch thu.
KẾT QUẢ
- Các khóa tập huấn đã được tổ chức theo đúng kế hoạch và hoàn thành mục tiêu đề ra, tất cả các hoạt động được thực hiện theo đúng lịch trình.
- Khóa tập huấn đã diễn ra với sự tham gia của 54 cán bộ, gồm: kiểm lâm, cảnh sát môi trường, cán bộ hải quan và lãnh đạo địa phương đến từ 13 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trên thực tế, khi so sánh với các khóa đào tạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật của một số tổ chức khác, đây là một trong những khóa đào tạo về thực thi pháp luật có sự tham gia đông đủ nhất (đạt 90% so với kế hoạch).
- Sau khóa tập huấn, số lượng Tê tê được các cơ quan chức năng thông báo và chuyển về SVW sau khi thu giữ đã tăng mạnh (từ 22 cá thể Tê tê năm 2014, 145 năm 2015 lên 251 cá thể năm 2016). Trong tổng số Tê tê được cứu hộ trong năm 2016, có đến 127 cá thể Tê tê được tịch thu từ 3 tỉnh thành đã tham gia khóa đào tạo, chỉ 1 tháng sau khi kết thúc tập huấn. Đây là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định sự hợp tác lâu dài giữa SVW và các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong tương lai.
THIẾT KẾ TẬP HUẤN
Khóa tập huấn được xây dựng với chiến lược khuyến khích học viên tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động, khơi gợi cảm xúc và truyền cảm hứng, đồng thời cũng trang bị cho người tham gia những kinh nghiệm làm việc với động vật và cách hợp tác làm việc nhóm hiệu quả. Phương pháp đào tạo kết hợp nhiều hình thức: bài giảng từ ba chuyên gia, bài tập thực hành, thảo luận nhóm và trải nghiệm thực tế công việc chăm sóc động vật tại trung tâm cứu hộ. Bên cạnh đó, các trò chơi và hoạt động bổ sung với nội dung truyền tải thông điệp hướng tới công tác Bảo tồn Tê tê được thiết kế trong thời gian giải lao nhằm tăng cường giao lưu học hỏi và kết nối giữa những người tham gia.
Lựa chọn địa điểm tổ chức khóa tập huấn tại Trung tâm SVW giúp người tham gia có cơ hội được làm việc trực tiếp với động vật và trải nghiệm công việc thực tế tại trung tâm cứu hộ (mặc dù vẫn có một số ý kiến về sự bất tiện do quãng đường dài di chuyển tới trụ sở của SVW tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình). Trong chương trình đào tạo, các học viên có một đêm tham quan và quan sát động vật hoang dã tại Trung tâm Giáo dục bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, lắng nghe những câu chuyện cứu hộ của chúng, gặp gỡ Tê tê Lucky – Đại sứ Giáo dục, trò chuyện với các nhân viên chăm sóc động vật, trải nghiệm công việc của họ và trực tiếp thực hành một số kĩ năng chăm sóc động vật. Nhiều học viên chia sẻ với chúng tôi rằng: trước đây, họ không thật sự quan tâm tới quy trình xử lý, chăm sóc động vật sau tịch thu nhưng sau khi tham gia khóa tập huấn, những câu chuyện về chăm sóc và cứu hộ động vật cũng như các trải nghiệm làm việc trực tiếp với động vật đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của họ về công việc cứu hộ – tái thả động vật hoang dã.
Bảng hỏi khảo sát được thiết kế nhằm nhằm đánh giá mức độ hiểu biết của học viên trước và sau khóa tập huấn (gồm 5 câu hỏi liên quan tới định dạng loài Tê tê, các mối đe dọa, nhân nuôi thương mại, xử lý chăm sóc sau tịch thu, và công tác cứu hộ- tái thả), đồng thời khảo sát cũng được sử dụng làm cơ sở đánh giá thiết kế chương trình của khóa tập huấn. Kết quả đánh giá rất tích cực với 76,1% người tham gia nắm được cách phân biệt hai loài Tê tê dựa vào số hàng vảy đuôi (kết quả khảo sát trước tập huấn chỉ đạt 23,9%); 95,83% người tham gia nhận định nhân nuôi Tê tê vì mục đích thương mại không phải giải pháp cho bảo tồn (khảo sát trước tập huấn: 86,27%); 100% người tham gia thích khóa tập huấn và chắc chắn sẽ tham gia các chương trình tập huấn tương tự trong tương lai.